Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Giáo: Thoát nghèo bền vững

Cập nhật: 11-10-2018 | 06:18:38

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bằng nhiều cách làm sáng tạo, huyện Phú Giáo giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong huyện thoát nghèo, xây dựng cuộc sống vững chắc. Và những câu chuyện thoát nghèo của ĐBDTTS mãi được mọi người nhắc đến như là hình ảnh đẹp để mọi người cùng học tập, noi theo.

Đi lên từ nghèo khó

Đến xã An Bình, huyện Phú Giáo nhiều người biết đến gia đình chị Huỳnh Thị Tốt, dân tộc Khơ-me, bởi một lý do khá đơn giản, gia đình chị là ĐBDTTS nghèo, vươn lên thoát nghèo, trở thành ĐBDTTS sản xuất, kinh doanh giỏi. Quê ở Pô Xát - Campuchia, năm 1991, chị Tốt theo chồng đến xã An Bình lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, không có nhà để ở, chị đã làm đủ mọi việc để kiếm sống, ngày đi làm mướn cho nông trường, tối về tranh thủ cày xới mảnh vườn trước nhà, trồng thêm khoai, sắn vàchăn nuôi heo nái. Chồng chị Tốt làm phụ hồ, cũng chỉ đủ ăn qua ngày, cuộc sống rất vất vả. Đất không phụ công người, nhờ tính siêng năng, chịu khó, chỉ trong vòng hơn một năm, hai vợ chồng chị dành được ít vốn, mua được 0,2 ha đất sản xuất. Từ đó, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Đến nay, gia đình chị đã có tới 1,1 ha điều, 0,1 ha nọc tiêu, ngoài ra còn chăn nuôi bò sinh sản, heo nái…

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Giáo luôn được quan tâm, tổ chức sân chơi để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần

Rời gia đình chị Tốt, chúng tôi tìm đến nhà chị Thị Hằng, dân tộc Tày, ấp Tân Thịnh. Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà tình thương còn thơm mùi vôi mới, chị Hằng vui vẻ nói: “Trước đây, căn nhà của gia đình tôi gió lộng tứ bề. Có những đêm mưa cả nhà phải ngồi gom lại một góc vì mưa dột nát. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm trợ giúp nên tết này gia đình tôi đã có căn nhà tươm tất để thờ cúng ông bà, con cháu về sum họp cũng có chỗ nghỉ nghơi thoải mái”. Căn nhà tình thương đến với chị như tiếp thêm sức mạnh để chị cố gắng làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo.

Hiện nay trên địa bàn huyện Phú Giáo có 711 hộ ĐBDTTS gồm: Khơ-me, Tày, Nùng, Mường, Hoa, Stiêng, Thái, Sán Dìu, Sán Chỉ, Châu ro, Dao, Thổ, Bana… Tính đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 14 hộ ĐBDTTS nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh. Cùng với những chính sách dân tộc chung của tỉnh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn được quan tâm hỗ trợ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng về vật chất, tinh thần... Chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc đã tạo điều kiện cho đồng bào có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS xã An Bình là 20 triệu đồng/người/năm. Qua dự án định canh, định cư ĐBDTTS An Bình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp các hộ phát triển bền vững trên khu đất được nhà nước giao.

Không ngừng chăm lo

Đến thăm ĐBDTTS hôm nay, ai cũng dễ nhận thấy đó là những ngôi nhà mới, những đàn bò, heo, vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, con cái được học hành. Điều này khẳng định, đời sống ĐBDTTS đã đổi thay hoàn toàn. Hiện nay, cuộc sống của ĐBDTTS trên địa bàn Phú Giáo cơ bản ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng họ vẫn rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để vươn lên hơn nữa trong cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Những năm qua, huyện Phú Giáo đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi, xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, giới thiệu việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện cho con em ĐBDTTS học hành. Những chính sách đúng đắn đã góp phần làm cho đời sống ĐBDTTS thêm khởi sắc. Thời gian tới, Phú Giáo sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc, tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp kỹ thuật cao. Đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, giảm nghèo vươn lên làm giàu, khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại trong ĐBDTTS” .

Ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể thì sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ ĐBDTTS sản xuất, kinh doanh giỏi của chính người dân là rất lớn. Từ những người không có đất sản xuất, phải đi làm thuê cuốc mướn, đến nay nhiều hộ ĐBDTTS đã có nhà cửa ổn định, biết chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán phát triển kinh tế gia đình, đây là điều đáng quý nhất.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1209
Quay lên trên