Đô thị Thủ Dầu Một: Tăng trưởng xanh, thông minh

Cập nhật: 23-06-2020 | 09:11:40

Ngày 6-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định Công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương. Sự kiện này phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của một đô thị trung tâm, đồng thời tạo điều kiện cho Thủ Dầu Một phát triển nhanh và toàn diện hơn nữa. Thời gian tới, TP.Thủ Dầu Một sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP.Thủ Dầu Một xác định mục tiêu tăng trưởng xanh, thông minh. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 

Văn minh - hiện đại

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 14-11- 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo, TP.Thủ Dầu Một đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển đô thị Bình Dương. Cột mốc quan trọng là ngày 6-12-2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định Công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương. Sự kiện này phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của một đô thị trung tâm, đồng thời tạo điều kiện cho Thủ Dầu Một phát triển nhanh và toàn diện hơn nữa. Tất cả minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sự vươn lên mạnh mẽ của một đô thị trẻ năng động và phát triển.

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết thực hiện Nghị quyết số 17, TP.Thủ Dầu Một đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh - hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tổng chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 trên 5.252 tỷ đồng. Trong đầu tư xây dựng luôn quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm về phát triển hệ thống giao thông, tạo sự lan tỏa kết nối để phát triển đô thị, kết nối khu vực đô thị hiện hữu với khu vực đô thị mới. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang hoàn thành như giao lộ ngã tư Cây Me - đường Lê Chí Dân, Bệnh viện 1.500 giường... Nhiều dự án đang được triển khai thực hiện như đường Bạch Đằng (nối dài), hệ thống thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát, hệ thống thoát nước Suối Giữa... đã góp phần vào việc tạo động lực mới cho sự phát triển chung của thành phố.

Song song đó, hạ tầng xã hội cũng được chú trọng; 4 năm qua, thành phố đã xây dựng mới 12 trường công lập, cải tạo sửa chữa 32 trường; đến nay thành phố có trên 73% trường học đạt chuẩn quốc gia. Các công trình văn hóa, y tế, công viên - hoa viên được quan tâm nâng cấp... đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nghiên cứu, học tập, vui chơi giải trí, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân. Một điểm nhấn quan trọng, được nhân dân đồng tình, chính là phát triển mảng xanh đô thị, tăng không gian phục vụ cộng đồng được thành phố tập trung thực hiện quyết liệt; tận dụng các quỹ đất công, các trụ sở hành chính dôi dư sau khi tỉnh và thành phố sắp xếp bố trí lại để xây dựng công viên, hoa viên, mảng xanh đô thị kết hợp với mở rộng không gian sinh hoạt công cộng ở các khu phố. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 83 công viên, hoa viên với diện tích cây xanh đô thị đạt gần 407 ha.

Đặc biệt, xác định là nằm trong Vùng thông minh Bình Dương nên thời gian qua TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng thành phố thông minh nhằm triển khai bước đầu Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Để xây dựng, phát triển đô thị đi vào chiều sâu, Thành ủy Thủ Dầu Một đã phê duyệt đề án và ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” giai đoạn 2016-2020. Cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhận thức và ý thức thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị của đảng viên, cán bộ công chức và đại đa số nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao.

Nâng chất đô thị

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà cho biết, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển đô thị và để Thủ Dầu Một phát triển xứng tầm là trung tâm của tỉnh Bình Dương; thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I, phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị hiện hữu với phát triển đô thị mới; tiếp tục thực hiện hoàn thành Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Đảng bộ thành phố xác định để đạt được mục tiêu này thì bên cạnh sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Nhà nước, việc huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân là một yếu tố hết sức quan trọng. Do đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng chương trình hành động tiếp tục thực hiện vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị giai đoạn 2020-2025.

Theo đồng chí Nguyễn Lộc Hà, yêu cầu đặt ra trong chương trình hành động này là nâng cao hơn chất lượng cuộc vận động; phát huy hơn nữa ý thức trách nhiệm, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển thành phố, trọng tâm là xây dựng con người đất Thủ - Bình Dương giàu tính nhân văn, ứng xử văn minh, lịch sự, góp phần thực hiện đạt mục tiêu chung của tỉnh là xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp. Theo đó, thành phố sẽ tăng cường sựlãnh đạo, chỉđạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở trong thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn; phát huy vai trò của MTTQ vàcác tổ chức chính trị- xãhội, các cơ quan, đơn vị trong vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị và đẩy mạnh các biện pháp vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa và ý thức văn minh đô thị.

Mục tiêu cơ bản Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một phấn đấu giai đoạn 2020-2025:
- Số phường đạt chuẩn văn minh đô thị là 9 phường/năm.
- Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng trong thành phố đạt 28%.
- Mật độ đường chính đạt 13 km/km2.
- Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 39m2/người.
- Triển khai thực hiện một số dự án: Thực hiện các mục tiêu của Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp dịch vụ du lịch; cải tạo vỉa hè đồng bộ với hệ thống cấp, thoát nước, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng... đạt trên 50% đối với các tuyến đường trục chính, đường phân khu vực; hoàn thành tuyến đường ven sông Sài Gòn, đoạn Bà Lụa - Chánh Mỹ; hoàn thành 6 công trình tạo động lực phát triển theo Nghị quyết 17-NQ/TU; phối hợp xây dựng Khu tưởng niệm Văn hóa - Lịch sử cụ Nguyễn Sinh Sắc gần khuôn viên chùa Hội Khánh; xây dựng Nhà Truyền thống thành phố; cải tạo, nâng cấp Công viên Thủ Dầu Một theo hướng không gian mở, phục vụ các sự kiện văn hóa; xây dựng Công viên trung tâm ngã sáu Phú Cường kết hợp ngầm bãi đậu đỗ xe ô tô; phấn đấu xây dựng trên địa bàn thành phố có trên 100 công viên, hoa viên...

TIỂU LIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5631
Quay lên trên