Đoàn kết vượt khó, tạo đà phát triển - Kỳ cuối

Cập nhật: 08-07-2021 | 08:29:00

Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người lao động

 Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù có những khó khăn nhất định, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến các mặt của kinh tế - xã hội, tuy nhiên, bằng tinh thần chủ động, nỗ lực, Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm, chăm lo thực hiện.

 Bà Mai Thanh Thảo, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương tặng học bổng cho học sinh là con em công nhân vượt khó học giỏi trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 năm 2021

 Rà soát, nâng cao mức sống người dân

Trong 6 tháng qua, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai kế hoạch rà soát tổng thể về các vấn đề liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đó là việc giải ngân cho vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế. Rất nhiều hộ nghèo, khó khăn được các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chăm lo. 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 28 căn nhà tình nghĩa với số tiền 1,9 tỷ đồng; tặng 2.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng; hỗ trợ 68.934 đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng...

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 52.000 người; có khoảng 25.000 người nhận được việc làm; tạo việc làm tăng thêm cho 15.317 người. Tỉnh cũng đã tiếp nhận và giải quyết 82.577 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó trợ cấp thất nghiệp là 31.214 hồ sơ với số tiền 507,5 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Tấn, hộ gia đình chính sách ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, chia sẻ: “Bản thân tôi nhận thấy việc chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công cũng như quan tâm nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn như những năm qua là rất tốt. Còn mình muốn giàu, muốn khá thì phải nỗ lực lao động, làm việc để nâng cao thu nhập chứ không thể trông chờ vào Nhà nước. Nhà nước cho mình cần câu, chứ không thể cho con cá được”.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng những tháng đầu năm 2021, do dịch bệnh kéo dài nên gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, sở sẽ tiến hành rà soát, đánh giá để có kết quả sớm gửi UBND tỉnh cũng như các sở, ngành để có các giải pháp tiếp theo. Bên cạnh việc rà soát, giải ngân các nguồn vốn vay giúp người dân ổn định kinh tế, tạo việc làm, sở sẽ có phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chăm lo đời sống người lao động

Để chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ), các ngành, các cấp trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình lao động tại các doanh nghiệp. Trong 6 tháng qua, số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng nên có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trong đó, có 3.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 65.000 lao động. Tỉnh đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 52.000 người; có khoảng 25.000 người nhận được việc làm; tạo việc làm tăng thêm cho 15.317 người. Tỉnh cũng đã tiếp nhận và giải quyết 82.577 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó trợ cấp thất nghiệp là 31.214 hồ sơ với số tiền 507,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 5-7, toàn tỉnh có hơn 333 doanh nghiệp với hơn 27.900 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 này. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp với các cấp công đoàn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chăm lo đời sống NLĐ. Các trường hợp F0, F1 đã được thống kê, đồng thời các cấp công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp trao hỗ trợ cho mỗi trường hợp F0 là 3 triệu đồng, F1 là 1,5 triệu đồng. Các trường hợp bị cách ly vì liên quan đến dịch bệnh đang tiếp tục được thống kê để có mức hỗ trợ tiếp theo.

Với hầu hết các doanh nghiệp, khi không may xảy ra dịch bệnh, vẫn bảo đảm mức lương cơ bản cho NLĐ cùng các chế độ phụ cấp khác cho những công nhân viên tham gia phòng, chống dịch bệnh (PCDB) tại doanh nghiệp mình. Sớm nhận được sự quan tâm của các cấp công đoàn trong lúc khó khăn, không những NLĐ mà ngay cả những lãnh đạo doanh nghiệp cũng nói lời xúc động. Ông Kumaresan Varutharaju, Giám đốc Công ty TNHH Dunlopillo Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, TP.Thuận An), chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi công nhân của chúng tôi được các cấp công đoàn sớm quan tâm, chăm lo trong đợt dịch bệnh này. Đây là động lực để công ty tổ chức PCDB tốt hơn, cũng như chăm lo lao động của mình tốt hơn trong thời gian tới”.

Hiện nay, khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và diễn biến phức tạp, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa PCDB, vừa sản xuất, kinh doanh theo định hướng của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh việc trang bị cơ sở vật chất cho lao động ở lại nhà máy làm việc. Cách làm này vừa bảo đảm dịch bệnh không thể xâm nhập vào nhà máy vừa nâng cao mức thu nhập cho NLĐ. Điển hình như Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên), công nhân ở lại làm việc trong 3 tuần được công ty phụ cấp 5,5 triệu đồng/người cùng lương cơ bản, tăng ca và các khoản phụ cấp khác. Điều này khiến NLĐ không những hài lòng mà còn vui mừng vì mức thu nhập được đẩy lên cao hơn so với trước dịch bệnh.

Để cùng công nhân lao động vượt qua khó khăn do dịch bệnh, các cấp chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh luôn song hành cùng NLĐ. Những ngày qua, trước Lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hàng trăm tỷ đồng được người dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ PCDB Covid-19 tỉnh, Quỹ vắc xin cho công nhân. Các xã, phường, thị trấn cũng vận động tiền, hàng chăm lo cho các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, NLĐ trong các khu cách ly. Những “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng” có trị giá lên đến hàng trăm triệu, gồm đầy đủ các nhu yếu phẩm được hình thành khắp nơi. Chương trình kêu gọi các chủ kinh doanh nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân cũng đã được LĐLĐ tỉnh phát động. Ngay lập tức chính quyền địa phương, các chủ nhà trọ đã nhanh chóng vào cuộc.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn chuyên trách LĐLĐ tỉnh cùng một số đơn vị trực thuộc, các cán bộ công đoàn về hưu đã có những hành động hết sức thiết thực để chung tay PCDB. Người góp sức, người góp tiền, người tự tay chế biến hàng trăm hũ chà bông nghĩa tình gửi đến công nhân lao động ở các khu cách ly. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên mặt, hay hình ảnh phải thức khuya dậy sớm khi chế biến chà bông của những tấm lòng hảo tâm này mới thấu hiểu được tình cảm, cũng như sự quan tâm, chia sẻ của các cấp công đoàn với NLĐ. Có thể nói, không ít đợt dịch bệnh đã xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng chưa lần nào NLĐ bị thiếu thốn mà luôn được quan tâm, động viên kịp thời.

Tính đến ngày 5-7, toàn tỉnh có hơn 333 doanh nghiệp với hơn 27.900 lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong đợt dịch bệnh thứ 4. Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cấp công đoàn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chăm lo đời sống NLĐ. Các trường hợp F0, F1 đã được thống kê, đồng thời các cấp công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp trao hỗ trợ cho mỗi trường hợp F0 là 3 triệu đồng, F1 là 1,5 triệu đồng. Các trường hợp bị cách ly vì liên quan đến dịch bệnh đang tiếp tục được thống kê để có mức hỗ trợ tiếp theo.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=391
Quay lên trên