Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực vươn xa

Cập nhật: 02-05-2018 | 08:31:58

Hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng đã nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

 

Nhạy bén với thị trường

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mây, tre, lá Ba Nhất (TX.Tân Uyên), cho biết năm 1990, để xuất khẩu được sản phẩm bà đã đến một số nước tìm hiểu thị trường. Trở về nước, nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường ở nước ngoài, bà bắt tay nghiên cứu các sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối... Năm 1996, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà xây dựng xưởng và phát triển sản xuất, những sản phẩm bà làm ra vừa bền lại đẹp, vượt qua các tiêu chuẩn ngặt nghèo của thị trường nước ngoài. Đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại trên 30 nước, trong đó thị trường Mỹ, Hà Lan, Canada chiếm đến 50%. Bà Cúc chia sẻ, sản phẩm của Ba Nhất hiện được thị trường các nước đánh giá cao. Nhiều khách hàng nước ngoài đã tự tìm tới HTX đặt hàng. Năm 2018, dự tính giá trị xuất khẩu của HTX Ba Nhất tăng 20% so với năm 2017. Hơn 20 năm qua, HTX còn tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đối với Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương, thời gian qua đơn vị luôn nỗ lực vươn lên, từng bước khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 1992, sau khi ngừng sản xuất mặt hàng dép xốp, công ty đã nhanh chóng thành lập xưởng sản xuất hàng may mặc phục vụ xuất khẩu nhằm giải quyết việc làm cho công nhân. Sau một thời gian hoạt động, xưởng sản xuất được đầu tư và nâng cấp thành xí nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn hơn. Tiếp đó, công ty còn thuê chuyên gia từ Anh, Mỹ… tham gia gia vào quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Hành chính nhân sự Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết từ một xí nghiệp may mặc chỉ làm hàng gia công, đến nay công ty đã phát triển mạnh mẽ, với trang thiết bị, máy móc hiện đại, phần mềm quản lý và đội ngũ cán bộ, công nhân viên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Công ty đã tự sản xuất sản phẩm và xuất khẩu đến nhiều nước, tạo niềm tin và có khách hàng ổn định. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Năm 2018, công ty phấn đấu doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2 017.

Có thể thấy, những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường, thiết lập kênh thông tin và các đầu mối liên lạc để giao dịch, trao đổi nhằm tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp trong tỉnh tại thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (TX.Dĩ An), cho biết những năm gần đây, thông qua các kênh xúc tiến thương mại của tỉnh, công ty đã giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan… Kết quả là sản phẩm của công ty đã được khách hàng tại các nước này tin dùng, đặt hàng thường xuyên. Công ty cũng luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu cho ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu 80.000 sản phẩm và tiêu thụ trong nước 50.000 sản phẩm.

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh đều rất quan tâm đầu tư khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất và đa dạng mẫu mã sản phẩm. Bà Cúc cho hay, trong thời gian tới HTX Mây, tre, lá Ba Nhất tiếp tục đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Vũ, để nâng cao giá trị xuất khẩu, tới đây Công ty TNHH Nam Bình tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, chú trọng tạo mẫu mã mới cho sản phẩm, cùng với đó thực hiện quản lý phần mềm thiết bị... Ông Anh thì cho hay, hiện Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương đang tổ chức mô hình sản xuất theo hướng gọn nhẹ, đầu tư thiết bị hiện đại và áp dụng mô hình quản lý sản xuất bằng phần mềm của ngành may. Trong những năm tới, tổng công ty định hướng tìm kiếm khách hàng tiềm năng có dòng hàng thời trang, tiếp tục đầu tư trang bị công nghệ sản xuất hiện đại.

Trong năm 2018, cùng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại năm 2018. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa…

 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được các thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam, ký kết đang được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, để khai thác tốt lợi thế từ hiệp định này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lực lượng lao động trong nước cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, nhất là công nghệ thông tin...

 PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=270
Quay lên trên