Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các quy định pháp luật

Cập nhật: 09-09-2014 | 08:29:59

Câu lạc bộ Các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp xuất nhập khẩu về hải quan, thuế năm 2014. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các quy định của pháp luật thay vì chờ được phổ biến, hướng dẫn nhằm tránh sai sót…

 
 
Thông quan nhanh hơn

Mở đầu hội nghị, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm, nhấn mạnh: “Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động vừa là yêu cầu thực tế, vừa phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, thời gian nộp thuế, khai báo hải quan đã được cải tiến và rút ngắn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế một bộ hồ sơ hải quan đầy đủ chỉ cần 3 giây sẽ được thông quan, nhưng do thiếu đồng bộ trong hệ thống nên hàng hóa vẫn bị chậm do phải kiểm tra, bổ sung chứng từ… VCCI đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại tại các địa phương phía Nam như Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.HCM… Sau đó, VCCI sẽ tổ chức hội nghị đối thoại chung với ngành thuế, hải quan để cùng tìm ra giải pháp hạn chế khó khăn phát sinh”. 

 
  Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa các nhà xuất nhập khẩu với lãnh đạo cơ quan thuế, hải quan do Câu lạc bộ Các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương tổ chức . Ảnh: D.CHÍ


Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp nêu thực tế, doanh nghiệp chấp hành rất tốt pháp luật nhưng gần đây hàng hóa liên tục bị áp luồng đỏ, phải kiểm tra thực tế hàng hóa, gây mất thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Khi hàng ra đến cảng, cán bộ hải quan nói trời tối không đọc được giấy tờ, rồi cần phải có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi thông quan. Lúc gọi điện về chi cục thì không liên lạc được và lô hàng bị rớt. Hay khi kiểm tra hàng hóa, cán bộ hải quan yêu cầu xuất trình giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài…

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang, cho biết Hải quan được Chính phủ giao thay mặt trên 10 bộ, ngành làm nhiệm vụ “gác cửa” nền kinh tế nên có lúc ngành phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trên đưa ra. Ví dụ, phòng chống lây lan dịch bệnh, ma túy, vũ khí… thì hàng hóa đi và đến những quốc gia nhạy cảm, dù doanh nghiệp đã làm tốt vẫn phải kiểm tra nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn cho hàng hóa của doanh nghiệp.

“Đúng là đêm tối có lúc giấy tờ không đọc được, nhưng đó không phải là trở ngại chính và không xảy ra tại Hải quan Bình Dương. Tôi đề nghị quý doanh nghiệp khi gặp trường hợp này cần liên hệ đường dây nóng của lãnh đạo cục hoặc ghi nhận họ tên của cán bộ trả lời đó, chúng tôi sẽ có cách giải quyết. Còn đòi hỏi giấy phép lao động là ngoài chức năng của hải quan, vì cán bộ hải quan chỉ có nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa. Các giấy tờ đó thuộc thẩm quyền của cơ quan khác”, ông Giang nói.

Doanh nghiệp “kêu” chờ quyết toán

Nhiều doanh nghiệp than phiền, đã hơn 5 năm qua họ chưa được kiểm tra, quyết toán thuế nên hồ sơ chứng từ, sổ sách không còn chỗ để. Những người liên quan đến công tác này cũng rất băn khoăn vì vừa lo công việc mới, vừa phải canh cánh lo chuyện cũ. Bản thân chủ doanh nghiệp cũng không yên tâm vì lời lãi, cổ tức đều được chia cho cổ đông hàng năm. Các cổ đông có quyền chuyển nhượng cho người khác, đến khi cơ quan thuế kiểm tra, quyết toán phát hiện sai sót buộc phải bổ sung, truy thu thì cổ đông không chịu trách nhiệm mà dồn hết về cho doanh nghiệp…

Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Huỳnh Đình Trí, cho biết hiện tại pháp luật chưa quy định thời hạn kiểm tra, quyết toán thuế, mà chỉ quy định doanh nghiệp tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Do số doanh nghiệp nhiều, cán bộ thuế có hạn, thời gian kiểm tra, quyết toán tại mỗi doanh nghiệp không dưới 1 tháng nên mỗi năm Cục Thuế chỉ kiểm tra, thanh tra, quyết toán được chừng 300 doanh nghiệp/10.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Cục Thuế đề nghị doanh nghiệp nếu muốn bảo đảm an toàn, chắc chắn nên nhờ đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra lại hồ sơ kế toán của doanh nghiệp mình hàng năm để bảo đảm an toàn. Liên quan đến việc chia cổ tức, trách nhiệm của cổ đông thì doanh nghiệp cần có đơn yêu cầu Cục Thuế kiểm tra quyết toán, cục sẽ xem xét, hỗ trợ.

Liên quan việc kiểm tra, xử phạt, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang, cho rằng không ai đi kiểm tra mà chỉ tìm cái sai của doanh nghiệp để phạt; không cơ quan quản lý nhà nước nào hoạt động chỉ với mục đích phạt doanh nghiệp, mà nhiệm vụ chính là hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng quy định pháp luật, hướng doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm tra mà doanh nghiệp cảm thấy mình có sai sót, cần chỉnh sửa, bổ sung thì tự chỉnh sửa hoặc liên hệ cơ quan chức năng hỗ trợ chỉnh sửa, khắc phục thiếu sót thì không ai xử phạt, mà ngược lại còn được hoan nghênh, khuyến khích.

Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm, đề nghị tới đây để hội nghị đối thoại có chất lượng, đi vào trọng tâm từng vấn đề với cách giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp cần nêu cụ thể tên doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và địa chỉ hoạt động để có cơ sở căn cứ và hướng giải quyết. VCCI cam kết không có chuyện “lưu ý” hay trù dập trước những phản ánh thực tế hay ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp…

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên