(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Trong thời gian tới, những cơ hội từ hội nhập và cải cách kinh tế trong nước là rất to lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể tin vào tiềm năng của Việt Nam trong quá trình hội nhập, song các tiềm năng ấy chỉ trở thành triển vọng và hiện thực hóa trong một môi trường chính sách phù hợp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2015 và triển vọng 2016, hiện, kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ chuyển giao.
Quá trình chuyển giao không chỉ thực hiện giữa hai kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (tương ứng cho giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), mà còn từ ổn định và phục hồi tăng trưởng sang tăng trưởng và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
Việt Nam cũng hướng mạnh mẽ hơn vào cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, sau một thời gian chỉ tập trung điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Môi trường và điều kiện kinh tế hiện có nhiều nét tích cực hơn so với đầu năm 2011 - thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015.
Bên cạnh đó, dư địa để thực hiện nới lỏng tài khóa và tiền tệ giảm đáng kể, đồng nghĩa với yêu cầu tận dụng các dư địa này một cách có hiệu quả và tập trung hơn.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra thêm những cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo thêm động lực cho các cải cách hướng kinh tế thị trường ở trong nước.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nhận định, Việt Nam bước vào năm 2016 với khá nhiều lạc quan như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập; đồng thời, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đi kèm với niềm tin được củng cố của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
Hiện, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn diễn ra sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu trong năm 2015. AEC cũng đã được thành lập vào cuối năm 2015.
Việc hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP - với kỳ vọng cả hai hiệp định có thể hoàn tất phê chuẩn trong năm 2016 - sẽ là những bước ngoặt quan trọng đối với cải cách ở Việt Nam.
Theo ông Cung, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ đi kèm với việc cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực.
Do đó, các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư - kể cả sau đường biên giới - hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với doanh nghiệp, sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung lại cho rằng, những năm gần đây, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt lên nhưng động lực cho tăng trưởng vẫn chưa thay đổi nhiều, khi những tiềm năng đã khai thác gần tới trần.
Bên cạnh đó, tình hình thu-chi ngân sách, quản lý nợ công, bội chi, điều hành tỷ giá, cải thiện năng lực canh tranh đều còn rất lúng túng, luẩn quẩn.
“Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa thì tỷ giá phải điều chỉnh, nhưng nếu điều chỉnh sẽ gây áp lực lên trả nợ và xoay vào ngân sách, ngân sách đã yếu sẽ có thể yếu thêm,” ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế tiến sỹ Phạm Chi Lan cho biết, huy động trái phiếu Chính phủ đang chèn lấn tín dụng khu vực tư nhân. Đáng lẽ, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trông chờ nhà nước giữ vai trò trọng tài, chống chèn lấn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Cần có môi trường kinh doanh thực chất
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình cải cách và hội nhập kinh tế cũng đi kèm với không ít thách thức. Những thách thức ấy có thể bao gồm quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn; nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức và yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của nhà nước, chính phủ trong điều hành kinh tế; và tổn phí điều chỉnh đối với một số nhóm dân cư, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu giải quyết được vấn đề doanh nghiệp nhà nước và nợ xấu, sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thay đổi việc phân bổ nguồn lực. Qua đó không chỉ tạo thêm động lực cho tăng trưởng, còn tạo thêm niềm tin với nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải thực chất (giảm nắm giữ cổ phần của nhà nước), vì doanh nghiệp nhà nước đang lấy đi cơ hội của doanh nghiệp tư nhân.
Với ngân sách nhà nước, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, cần tăng kỷ luật ngân sách, kiểm soát bội chi ở mức 4%, giảm chi tiêu công (đặc biệt chi thường xuyên).
“Việc nuôi dưỡng nguồn thu không phải bằng ưu đãi, phải bằng giảm thu, mức thu ổn định và lâu dài để người dân và doanh nghiệp tính toán trước các khoản phải nộp. Đấy mới là cách đảm bảo nguồn thu trong tương lai,” ông Cung nói.
Nhấn mạnh thêm yêu cầu cải cách vào năm 2016, tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cho rằng, “cần đổi mới hệ thống chính trị đi đôi với đổi mới kinh tế thì chúng ta mới phát triển.”
Theo ông Lưu Bích Hồ, hiện nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều đang dò xét, chờ đợi xem cải cách tiếp theo của Việt Nam là gì trước khi quyết định đầu tư hay không?
Nhiều ý kiến khác của các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất; định hướng, ưu tiên xử lý các nút thắt về thể chế và cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh. Tư duy về vai trò của nhà nước và thị trường, và tương tác giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế hiện đại vẫn cần được làm rõ.
Đặc biệt, môi trường chính sách ấy phải gắn với những thay đổi rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thân thiện, khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
“Tôi tin là với hệ thống mới, bắt đầu nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều sáng kiến mới, chính sách mới,” tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh./
Theo TTXVN