Doanh nghiệp da giày, dệt may: Cần sớm được hỗ trợ để vượt khó

Cập nhật: 12-10-2016 | 15:32:48

Tại buổi đối thoại giữa UBND tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước mới đây, đại diện các DN ngành dệt may, da giày đều nêu nhiều khó khăn mà họ đang phải đối mặt…

Đơn hàng giảm mạnh

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết trong 9 tháng qua, hàng loạt khách hàng quen thuộc của DN dệt may tại Bình Dương đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào, Campuchia, khiến doanh thu của ngành sụt giảm so với mục tiêu đã đề ra. “Một số công ty trong hiệp hội đã tung vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, nhưng đến nay họ vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, dẫn đến doanh thu sụt giảm. Đơn cử như các công ty dệt Tường Long, Việt Hồng, sau khi giao sản phẩm, đối tác xuất thẳng sang Indonesia để may thành phẩm, gây thất thoát lớn cho ngành may mặc trong nước”, ông Phoa bức xúc cho biết.


Doanh nghiệp dệt may, da giày cần sớm được hỗ trợ từ phía Nhà nước để vượt khó. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.  Ảnh: X. THI 

Tình hình ngành da giày cũng không khá hơn. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày, da Bình Dương, năm nay các công ty thành viên của hiệp hội có lượng đơn hàng sụt giảm nhưng nhiều đơn vị vẫn phải hoạt động cầm chừng để giữ công nhân. Tuy nhiên, động thái này không thể giúp DN cầm cự được lâu. Bởi lẽ, công nhân cần phải có nguồn thu nhập ổn định mới có thể tái tạo sức lao động và gắn bó với DN.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), nhưng đến nay các hiệp định này vẫn chưa có hiệu lực. Trong khi đó, các DN Campuchia, Lào đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển khi xuất khẩu sang Mỹ, EU, còn Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%. Ngoài ra, chi phí nhân công tại Campuchia thấp hơn nhiều so với Việt Nam, mặc dù nhìn chung tay nghề công nhân, năng suất cũng như chất lượng quản lý tại đây có thể chưa bằng Việt Nam.

Ngoài các khó khăn nêu trên, hiện nay DN may mặc, giày da còn đang phải đối diện với thách thức mới, đó là việc Anh rời khỏi EU (Brexit) khiến cho đồng bảng Anh và đồng Euro mất giá, hàng nhập khẩu vào châu Âu trở nên đắt đỏ hơn. Thực tế, Việt Nam đang xuất khẩu sang EU với đồng tiền được thanh toán là đô la Mỹ, do đó không thể hạ giá. Điều này đã khiến cho DN trong nước mất đơn hàng vào tay các nước láng giềng.

Cần có những điều chỉnh

Theo một chuyên gia trong ngành dệt may, trong những năm gần đây tiền lương tối thiểu của Việt Nam liên tục tăng; chỉ tính trong giai đoạn 2008-2016 mức lương tối thiểu vùng đối với DN trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm, đối với DN đầu tư nước ngoài tăng 18,1%/năm. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9% đã làm tăng chi phí đầu vào của DN.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, việc tăng lương tối thiếu sẽ đi đôi với tăng đóng các khoản bảo hiểm, phí công đoàn và ảnh hưởng lớn đến DN và số đông người lao động. Bà Trang nói: “Chúng tôi là DN nên luôn sẵn sàng theo luật chơi cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường. Hơn nữa, chúng tôi luôn mong muốn người lao động của mình được trả lương cao để họ gắn bó với DN. Nhưng cứ đà này, DN dệt may, da giày sẽ không còn trụ vững được nữa”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho biết thực ra, vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động chính là nhằm bảo đảm cho người lao động mức sống tối thiểu, nhưng phải căn cứ vào mức tăng lạm phát và phải tính đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của DN dệt may, da giày của Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, đại diện các DN dệt may, da giày trong tỉnh đã đề nghị tỉnh, đặc biệt là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, kiến nghị Nhà nước không tăng lương tối thiểu vào năm 2017 và chỉ nên tăng 2 - 3 năm 1 lần để tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển. Đồng thời, không dùng lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức lương khởi điểm (bậc 1) trong hệ thống thang, bảng lương. Vì như vậy tiền đóng các khoản bảo hiểm và kinh phí công đoàn sẽ tăng theo.

Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về đơn hàng, giá bán không tăng, việc tăng lương tối thiểu buộc DN phải giảm các khoản lương mềm, phúc lợi, trợ cấp khác để bù vào các khoản trích nộp tăng. Do đó, phần đông người lao động không những không được tăng lương mà còn phải giảm thu nhập do bản thân họ cũng phải đóng bảo hiểm tăng thêm, do giá tiêu dùng tăng và do DN khó khăn ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho người lao động. Các DN cũng đề nghị Nhà nước điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường thế giới.

Có thể nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều khó khăn đang diễn ra đối với DN dệt may, da giày Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Trong khi đó, đây là 2 trong những ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, đây cũng là 2 ngành sử dụng lao động lớn. Chính vì thế, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN dệt may, da giày trên địa bàn là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=522
Quay lên trên