Doanh nghiệp dệt may gặp khó

Cập nhật: 31-10-2017 | 08:28:19

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của ngành dệt may Bình Dương vẫn tăng trưởng, tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ DN cùng ngành của các nước. Theo dự báo, một số công ty may mặc trên địa bàn tỉnh khó hoàn thành kế hoạch năm 2017.

 Chịu sức ép lớn

Thời gian qua, chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ và việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khiến các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam tiếp tục phá giá đồng nội tệ, giảm thuế để hỗ trợ xuất khẩu. Cùng với đó, chi phí nhân công, lưu kho, vận chuyển… trong nước ngày một tăng đã tạo sức ép lớn cho DN dệt may trong nước. Các DN đang lo từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do đơn hàng ngày càng ít, thời gian giao hàng ngắn. Đặc biệt, ngành dệt may trong nước đang chịu sức ép lớn về giá do ngành dệt may một số nước như Bangladesh, Myanmar, Campuchia… đang phát triển rất mạnh nhờ được hưởng cơ chế ưu đãi từ Mỹ, Liên minh châu Âu.

Dây chuyền sản xuất của Công ty May Quốc Tế. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc Tế (TX.Bến Cát) cho biết, năm nay các đơn hàng của công ty tăng chủ yếu là nhờ khách hàng Hàn Quốc, còn đơn hàng qua thị trường Mỹ giảm đến 35% so với năm 2016. Nguyên nhân đơn hàng từ thị trường Mỹ giảm đi bởi chi phí sản xuất của DN dệt may trong nước ngày càng cao, khách hàng đã chuyển đơn hàng sang các nước như Myanmar, Campuchia… Đối với thị trường châu Âu, các DN mặc dù được hưởng các ưu đãi về thuế nhưng cũng cần có thời gian, trong khi đơn hàng từ thị trường này vẫn còn ít.

Bà Trang chia sẻ thêm, với những khó khăn nói trên, năm nay Công ty May Quốc Tế dự kiến chỉ đạt 95% kế hoạch năm 2017. Đến thời điểm này, một số DN dệt may khác chỉ có đơn hàng năm 2017.

Nâng cao năng suất lao động

Theo bà Trang, trong tình hình nhu cầu tiêu dùng thế giới không khả quan như hiện nay, DN đang cố gắng nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí không cần thiết; đồng thời hy vọng Nhà nước tiếp tục làm tốt công tác bình ổn giá và tạo điều kiện thuận lợi để DN tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (đơn vị quản lý Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương) cho biết, để hoàn thành kế hoạch năm, tổng công ty đang tổ chức mô hình sản xuất theo hướng gọn nhẹ, đầu tư thiết bị hiện đại và áp dụng mô hình quản lý sản xuất bằng phần mềm của ngành may. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tìm kiếm khách hàng tiềm năng có dòng hàng thời trang và đầu tư công nghệ theo hướng hiện đại. Năm nay, tổng công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 60 triệu USD, cao hơn 3 triệu USD so với năm 2016. Để tăng sức cạnh tranh, đơn vị sẽ thực hiện triệt để các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Các chuyên gia cho rằng, để DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, DN cần tiết giảm các chi phí, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có những chính sách cải thiện chi phí ngoài sản xuất như cơ sở hạ tầng, thuế, phí, thời gian thông quan…

Nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra, Bộ Công thương đã đề nghị ngành dệt may tích cực triển khai hoạt động đưa hàng Việt ra nước ngoài thông qua thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”; kết nối cung - cầu với hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài hiện diện tại Việt Nam; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là hoạt động giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương...

 

PHƯƠNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1476
Quay lên trên