Hiện nay, ngành gỗ là một trong những ngành đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo các chuyên gia, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trong nước hiện còn rất lớn. Với vai trò là “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước, Bình Dương đang đảm nhận vai trò đầu tàu trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
Hoạt động sản xuất tại Công ty gỗ Trường Thành. Ảnh: K.VINH
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, số DN ngành chế biến gỗ tại tỉnh sẽ còn tăng nhanh trong vòng 5 năm tới, bởi Bình Dương có lợi thế là gần cảng biển, sân bay quốc tế, các khu vực có diện tích cao su, rừng trồng lớn... Thực tế, thời gian qua các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong ngành gỗ tại tỉnh đã tận dụng triệt để lợi thế này. Thống kê cho thấy, các DN gỗ FDI đã đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh.
Cần sự năng động
Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An) cho biết, đa số DN gỗ trong nước tại Bình Dương là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh về vốn, công nghệ còn yếu… Để phát triển bền vững DN nội cần năng động và sáng tạo hơn trong việc phát triển sản phẩm riêng biệt, chất lượng cao, mẫu mã phong phú cho DN mình. Về phía Công ty Kim Thành A, từ năm 2011 đã chuyển hẳn sang chế biến cung cấp ván gỗ lót sàn, ốp tường, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Để làm được điều này, công ty đã chủ động trồng rừng cao su làm nguồn nguyên liệu, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng thị trường thế giới. “Trong ngành gỗ, khả năng đa dạng sản phẩm là không khó, vì gỗ là vật liệu được ưa chuộng và phổ biến nhất hiện nay”, ông Kim nói.
Theo nhiều DN gỗ trên địa bàn tỉnh, sắp tới cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các DN trong nước với nhau, DN FDI với DN trong nước sẽ trở nên gay gắt hơn, bởi DN đầu tư vào ngành gỗ tại Bình Dương đang ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cũng sẽ là vấn đề quyết định sự thành bại của mỗi DN gỗ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay tranh thủ giá nguyên liệu gỗ giảm mạnh (nhất là gỗ cao su), các DN gỗ ở Bình Dương đã nhập nhiều nguyên liệu để dự trữ phục vụ sản xuất cho những năm kế tiếp. Giá mua nguyên liệu bình quân khoảng 200 - 300 đô la Mỹ/m3. Tuy nhiên về lâu dài, nguồn nguyên liệu sẽ trở nên đắt đỏ khi thị trường thế giới tăng cao, trong khi vùng nguyên liệu gỗ của cả nước vẫn chưa có quy hoạch cho chiến lược lâu dài.
Thị trường đang mở rộng
Trung Quốc là nước chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu gỗ toàn cầu. Tuy nhiên, việc Mỹ và một số nước châu Âu áp đặt thuế chống phá giá đối với các sản phẩm gỗ Trung Quốc vào thị trường của họ sẽ giúp các DN chế biến gỗ trong nước có thêm cơ hội để mở rộng thị trường. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến gỗ đứng thứ hai sau Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Vì thế, DN gỗ của Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập sâu rộng vào thị trường Mỹ.
Theo ông Lương Ngọc Kim, trong thời gian tới, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Phi và Trung Đông. Đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho các DN nắm bắt cơ hội để phát triển. Các DN nội địa cần mạnh dạn đầu tư vốn để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và nước ngoài. Điều này càng cấp bách hơn khi các nước tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ sang VN trong những năm tới.
Bên cạnh nỗ lực của DN, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về hải quan, chính sách thuế, ngân hàng… để DN có thêm điều kiện về nguồn vốn, công nghệ; hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng về qui mô, tầm cỡ để mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
T.PHONG