Doanh nghiệp gốm sứ phát huy nội lực, giữ vững phát triển

Cập nhật: 11-06-2022 | 09:06:51

5 tháng đầu năm 2022, dù gặp phải rất nhiều khó khăn thử thách do tác động của tình hình thế giới song các doanh nghiệp (DN) ngành gốm sứ vẫn tích cực sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng, biến những khó khăn trở thành động lực để phát triển.

Tăng 15 - 20% so với cùng kỳ

Những tháng đầu năm 2022, sản xuất của ngành gốm sứ Bình Dương đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá. Tính đến thời điểm này, hầu hết các DN đều có đơn hàng sản xuất. Rất nhiều DN trong ngành có mức tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu hết sức khả quan.

Đưa gốm vào lò tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên)

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, đánh giá những tháng đầu năm 2022, với sự trở lại của thị trường thế giới, tạo những cơ hội rất tốt cho thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng. Sản phẩm của DN 95% là xuất khẩu, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 26 - 27% so với năm trước đó. Năm 2022, DN đã kín đơn hàng đến tháng 9, tháng 10, kỳ vọng doanh thu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 5 - 7%. “Các DN ngành gốm sứ đang nỗ lực hết sức giữ vững sản xuất. Tuy không còn là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh nhưng giá trị mà ngành gốm sứ đem về cao so với các ngành gia công. Chúng tôi mong muốn được các cấp ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ổn định và phát triển”, ông Tín bày tỏ niềm tin.

Các DN gốm sứ nhận định, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thật sự là thử thách lớn khi nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng, việc mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường không phải DN cứ muốn là làm được. Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng… Đáng chú ý, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.

Tuy vậy, về nội tại, năng lực của các DN gốm sứ Bình Dương có khả năng đáp ứng thị trường lớn, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, nắm bắt thị hiếu khách hàng rất tốt. Thị trường gốm sứ tỉnh nhà đang có sự hài hòa giữa xuất khẩu và nội địa. Đây là điều các DN gốm sứ an tâm để tiếp tục giữ lửa cho nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi của Bình Dương.

Hóa giải khó khăn

Theo ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, trong tình hình thế giới luôn có nhiều biến động, để thích ứng và phát triển, DN cần xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Riêng với thị trường EU, Mỹ để hàng gốm sứ mỹ nghệ thâm nhập, DN phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm…

Theo ông Lý Châu Lâm, Giám đốc Công ty Gốm sứ Tân Toàn Phát (TX.Tân Uyên), với đặc thù là sản phẩm kết tinh bởi trình độ tay nghề của người thợ và công nghệ sản xuất, sản phẩm gốm sứ ngày càng tạo được giá trị gia tăng cao trong số các ngành xuất khẩu chủ lực của địa phương. Song cần đầu tư bài bản, nhất là các khâu maketing theo hướng hiện đại, kho xưởng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói chung, Sở Công thương đang nắm bắt tình hình sản xuất cũng như khó khăn, vướng mắc của các DN hiệp hội ngành hàng để kịp thời đề xuất, tháo gỡ. Sở Công thương phối hợp hỗ trợ tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng thay thế nguồn nhập khẩu. Đồng thời tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.

Ông Lý Châu Lâm, Giám đốc Công ty Gốm sứ Tân Toàn Phát: Các DN trong ngành vẫn gặp những khó khăn nhất định liên quan đến quy mô nhỏ, khả năng tài chính chưa mạnh để đầu tư phát triển. Quá trình đào tạo nghề còn hạn chế, công tác tiếp thị, trưng bày sản phẩm ở hệ thống DN chưa đồng đều. Từ thực tế này, đòi hỏi các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ DN sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong hội nhập. Bên cạnh đó, DN cần tập trung thực hiện các giải pháp quản trị, nâng cao năng suất lao động, khuyến khích sự sáng tạo và bảo đảm thu nhập cho công nhân và nghệ nhân.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1714
Quay lên trên