Năm 2016, tiếp tục sẽ có một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2016 sẽ là năm các doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, mang đến những động lực mới trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từ những chính sách và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Năm 2016, từ những lợi thế mà các FTA mang đến, các doanh nghiệp Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng cho mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Sakata Inx Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore).
Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, việc hàng loạt FTA đã và sẽ được ký kết sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới vào Việt Nam. Các thỏa thuận thương mại này sẽ tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của năm 2016 và những năm tới. Đồng thời, việc giảm tiếp theo trong hàng rào thuế quan sẽ làm cho Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, năm 2016 với những ưu đãi về thuế quan do các hiệp định mang lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu. Đặc biệt, khi TPP chính thức có hiệu lực ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tại Mỹ khi thuế xuất xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này sẽ giảm xuống 0%.
Còn ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (TX. Thuận An) thì nói: “Công ty chúng tôi xuất hàng đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong năm 2016, Việt Nam đứng trước cơ hội hội nhập sâu hơn với thị trường quốc tế. Từ các FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng về số lượng đơn hàng cũng như khách hàng đến với công ty, nhất là những khách hàng mới”.
Động lực sản xuất
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ các FTA mà Việt Nam đã và sắp ký kết đã tạo sức hút để các nhà nhập khẩu từ các quốc gia khác chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam. Trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, hàng dệt may đang có đà tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty Nam Bình (TX.Dĩ An) cho biết, năm 2016, triển vọng phát triển của ngành da giày khá thuận lợi, bởi hầu hết thị trường xuất khẩu lớn của ngành đều làm thành viên của các FTA mà Việt Nam tham gia. Tính đến thời điểm này, rất nhiều công ty thành viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có hợp đồng ký đến hết quý I năm 2016.
Theo ông Diêu Chí Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Tường Long (TX.Dĩ An), năm 2016 với những cơ hội từ các FTA, công ty sẽ có thêm nhiều động lực để phát triển sản xuất, tăng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Với những cơ hội đó, năm 2016, các doanh nghiệp tại Bình Dương đang kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhận định về những lợi ích khi Việt Nam tham gia các FTA, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, lợi ích đầu tiên là các cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Cơ hội đó có thể nhìn thấy rất rõ khi các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, tham gia TPP tạo ra khả năng cho chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng mới hình thành rất cao. Nếu chúng ta trở thành một mắt xích của chuỗi đó thì việc tham gia vào thị trường toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc tự mình tìm thị trường.
Trong quan hệ xuất nhập khẩu, cần tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Tuy nhiên, đến nay 70% nhập khẩu của chúng ta là ở khu vực Đông Á và 50% xuất khẩu cũng vào khu vực này. Nên nếu có bất lợi xảy ra trong khu vực sẽ tác động rất lớn, trong khi xuất khẩu là hoạt động chính của tăng trưởng GDP. Vì thế, chúng ta cần các hiệp định thương mại để cân bằng lại thị trường...
PHƯƠNG LÊ