Doanh nghiệp nhấp nhỏm vì tỷ giá ngoại tệ

Cập nhật: 23-12-2016 | 14:48:22

Tỷ giá USD tăng so với VNĐ những ngày qua đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không vui, nhất là đối với DN đang tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị dịp cuối năm. Theo nhiều DN, tỷ giá USD tăng so với VNĐ sẽ giúp cho những DN xuất siêu gặp thuận lợi, nhưng điều quan trọng nhất DN cần là sự ổn định của tỷ giá.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho rằng, các DN thành viên ít bị ảnh hưởng của việc tỷ giá USD tăng cao so với VNĐ. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của một DN may mặc tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tạo áp lực cho DN

Lãnh đạo một DN gốm sứ ở TX.Thuận An chia sẻ trong tháng 10 vừa qua, tỷ giá 1 USD là 22.036 VNĐ, sang tháng 12 tăng lên 22.700 VNĐ. Việc tăng này có lợi cho các DN xuất siêu, ít nhập nguyên liệu, máy móc từ nước ngoài. Nhưng nhìn chung, tỷ giá tăng nhanh sẽ tạo ra tâm lý bất ổn cho các DN, bởi bản thân DN cần sự ổn định của đồng ngoại tệ để toan tính cho những chiến lược lâu dài.

Ngành gốm của Bình Dương thời gian gần đây cũng đã nhập khẩu nhiều thiết bị máy móc hiện đại, nên tỷ giá ngoại tệ tăng cao sẽ khiến ngành gặp khó khăn hơn. Trong khi đó, đối với những DN đã vay đồng USD thì giờ đây, ngoài áp lực tiền lãi, áp lực từ sự trượt giá của VNĐ cũng tạo không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN.

Tuy vậy, theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá nói trên đối với DN trong hiệp hội không nhiều. Lý do là hầu hết DN ký hợp đồng theo USD, tức là nhập nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đều có đơn giá tính theo ngoại tệ này. Trong khi đó, có một tỷ trọng nhỏ khoản vay tạm ứng lương, DN vay hoán đổi USD và VNĐ với lãi suất thấp đều đã được DN đưa vào dự toán từ đầu năm. Do đó, hầu như DN ít chịu tác động từ việc tỷ giá giữa USD với VNĐ. Đây có thể là hướng đi an toàn cho các ngành nghề khác nhằm giảm bớt áp lực từ việc biến động của tỷ giá đồng ngoại tệ.

Tăng xuất, giảm nhập

Chủ một DN gỗ ở TX.Tân Uyên cho biết DN của ông đã ký hợp đồng nhập thiết bị từ Ý với giá trị hơn 2 triệu USD từ tháng 9-2016, tháng 12 này lô hàng máy móc này về Bình Dương. Như vậy chỉ trong 3 tháng, DN của ông đã chịu thiệt hơn 1,5 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá. Số tiền này đủ để công ty thưởng tết cho người lao động.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng ngành gỗ đang nhập nguyên liệu rất nhiều, tỷ giá chênh lệch khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp không ít trở ngại, bởi các DN đã lên kế hoạch sản xuất, chuẩn bị chi phí đầu vào ngay từ đầu năm. Sự bất ổn của tỷ giá sẽ làm tăng chi phí sản xuất, thậm chí buộc các DN phải chạy tìm đồng USD để thanh toán cho nguyên liệu nhập khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, chế biến của các DN gỗ.

Theo lãnh đạo một số DN trong tỉnh, tuy biết tỷ giá USD sẽ tăng cao so với VNĐ nhưng hiện nay có rất ít DN dự trữ USD để thanh toán các khoản nhập nguyên liệu, máy móc, bởi khi lãi suất USD gửi ngân hàng hiện nay là 0%, nghĩa là ngân hàng chỉ giữ dùm đồng USD cho DN. Nguồn USD thu được từ xuất khẩu, các DN lập tức quy đổi sang VNĐ, vì các DN phải thanh toán tiền lương cho nhân công lao động bằng VNĐ. Ngoài ra, khi gửi VNĐ, các DN còn có thể thu thêm lãi suất từ ngân hàng từ 5-6%/năm. Chính vì thế, rất ít DN dự trữ USD trong thời điểm này.

Đại diện Ngân hàng Nam Á Chi nhánh Bình Dương thì nhận định, rất khó để Chính phủ điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này. Điều các DN cần làm là ngoài việc “thắt lưng buộc bụng”, cần đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để tránh bớt rủi ro, bảo đảm lợi nhuận. Nhưng tiến trình này có thể làm chậm lại quá trình hiện đại hóa dây chuyền sản xuất của DN trước sự gia tăng tỷ giá của USD.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15-12- 2016, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 333,06 tỷ USD, tăng 6,4% (tương ứng tăng hơn 19,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 12-2016 thâm hụt 288 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15-12 còn mức thặng dư hơn 2,59 tỷ USD. Tỷ giá USD đang tăng cao so với VNĐ hiện nay đang khiến nhiều DN gặp khó khăn, khi thời điểm cuối năm nhiều DN đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu máy móc phục vụ cho đơn hàng năm 2017.

 

 XUÂN VĨ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên