Doanh nghiệp tìm đường quay về “sân nhà”

Cập nhật: 05-09-2023 | 09:37:50

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Thị trường tiềm năng

Nhiều DN khẳng định rằng tiềm năng thị trường nội địa sẽ là “bệ đỡ” giúp phát triển ổn định trong những giai đoạn khó khăn. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Đức Thành (TP.Tân Uyên), chia sẻ khi mới bắt đầu kinh doanh tại thị trường nội địa, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, đa dạng về mẫu mã chủng loại, hàng loạt sản phẩm của công ty len lỏi hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc, được người tiêu dùng chấp nhận.

“Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa hỗ trợ DN bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85 - 86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu, DN đặt ra mục tiêu tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%”, bà Lê Hải Liễu cho biết.

Các doanh nghiệp dệt may dù chinh phục rất nhiều thị trường khó tính nhưng gặp khó ngay trên “sân nhà”. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

Để tạo điều kiện giúp DN tiếp cận thị trường tốt hơn, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TX. Bến Cát), cho rằng về cơ bản thị trường gỗ nội địa vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, chưa có chuẩn. Do đó phải có đầu tư, nghiên cứu tổ chức lại chuỗi cung ứng thị trường nội địa theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, phải có chương trình xúc tiến thương mại riêng tại nội địa cho DN gỗ, thay vì xúc tiến chung với các ngành khác.

“Việc tạo một sân chơi riêng cho DN gỗ tiếp cận thị trường nội địa thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành cũng như các chương trình kết nối khác là cần thiết, để từ đó DN thuận lợi hơn trong hành trình chinh phục thị trường nội địa”, ông Nguyễn Minh Nhật nêu quan điểm.

Theo tìm hiểu, cái khó mà của DN xuất khẩu khi quay về “sân nhà” là thông tin, nhu cầu, thị hiếu giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hoàn toàn khác nhau. Xác nhận điều này, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho rằng một trong những khó khăn của những DN tìm về “sân nhà” là phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, phải đối mặt với bài toán chi phí cho việc phân phối hàng hóa, quảng bá, hậu mãi, khuyến mại…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng trong giai đoạn này, DN nên nhắm vào các phân khúc bình dân, giá vừa phải. Để giành được nhiều hơn nữa thiện cảm cũng như là mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, DN phải cải thiện chất lượng sản phẩm dành cho thị trường nội địa ngang bằng với chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng mới.

“Với thị trường xuất khẩu, DN chỉ cần có vài hợp đồng là đủ để sản xuất cả năm, lại không phải lo khâu thiết kế mẫu mã. Ở thị trường nội địa lại không có quy chuẩn thiết kế, mạng lưới phân phối của DN cũng chưa có nên việc sản xuất, tiêu thụ không dễ. Thêm vào đó, nhiều nguyên phụ liệu sản xuất đều được nhập khẩu khiến DN Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà. Đó là chưa kể nếu DN không nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng mà chỉ lấy mẫu mã và nguyên liệu sản xuất ở các thị trường xuất khẩu áp vào thị trường nội địa thì rất khó tồn tại. Bởi lẽ văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của mỗi quốc gia, khu vực rất khác nhau. Tùy đặc điểm, văn hóa và khí hậu của quốc gia, vùng miền mà nhà sản xuất sử dụng nguyên vật liệu phù hợp”, bà Phan Lê Diễm Trang băn khoăn.

Tìm lối mở

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, phân tích bên cạnh những lợi thế hiện có về dân số, đã qua giai đoạn đại dịch thì những khó khăn vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển thị trường trong nước, như thiếu vốn để hiện đại hóa thị trường bán lẻ, logistics cho nội địa… Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn trong xây dựng chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Các chuỗi này cần có sự phù hợp riêng với từng đối tượng.

Dưới góc nhìn của nhà sản xuất, bà Phan Lê Diễm Trang cho rằng việc DN xuất khẩu khó chiếm lĩnh thị trường nội địa còn do tâm lý sính ngoại từ chính người Việt. “Một nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế được sản xuất ở Việt Nam sẵn sàng được mua với giá vài trăm đô la Mỹ. Nhưng nếu đó là thương hiệu Việt cùng chất lượng sẽ rất khó chinh phục người tiêu dùng”, bà Phan Lê Diễm Trang nói về thực tế tiêu dùng của người Việt. Ngoài ra, hoạt động quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quản lý thị trường qua các kênh mới như thương mại điện tử, mạng xã hội…

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng đã đến lúc DN cần nhận thức rằng câu chuyện kích cầu tiêu dùng nội địa không phải chỉ là giải pháp ngắn hạn, tức thời. Các DN cần xác định đây là giải pháp hết sức quan trọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các “thượng đế” trong nước, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang. “Do đó, chúng tôi rất mong muốn các hiệp hội, DN sẽ đóng góp những mặt hàng tinh hoa đã nhiều năm chinh phục thị trường thế giới cho thị trường trong nước để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối để nhiều hệ thống phân phối nội địa hay có vốn đầu tư nước ngoài có các sản phẩm chất lượng tốt, tinh hoa, phục vụ người tiêu dùng Việt ”, bà Phan Thị Khánh Duyên nói.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên