Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh thương mại điện tử

Cập nhật: 12-09-2023 | 08:41:43

Xu hướng, thị hiếu, cách tiếp cận của người tiêu dùng (NTD) liên tục thay đổi. Bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hướng đến sân chơi thế giới mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ.

 Doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong chương trình triển lãm sản phẩm nông nghiệp Bình Dương năm 2023

 Tăng khả năng tiếp cận thị trường

Từ lâu, những sản phẩm sơn mài tinh xảo của Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn sản xuất theo đơn đặt hàng của nhiều đối tác thương mại trong và ngoài nước. Tuy vậy, có những thời điểm, sản phẩm tiêu thụ chậm qua kênh bán hàng truyền thống, vì vậy công ty đã tìm đến các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Shopee, Lazada, Sendo, Facebook, Zalo… “Kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, sản phẩm sơn mài phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, NTD cũng dễ dàng tiếp cận… Từ đó càng có nhiều khách hàng tìm đến, doanh thu công ty tương đối ổn định so với phương thức bán hàng truyền thống”, ông Lê Bá Linh, Giám đốc công ty này cho biết.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (Prowin), chia sẻ: “Sản phẩm giày thể thao PRC đã được phân phối tại hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Hai năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19, lượng khách mua sắm trực tiếp giảm. Nguyên nhân, người tiêu dùng thay đổi trong hành vi, thói quen mua sắm online. Do đó, DN đã thử nghiệm bán hàng trên sàn TMĐT và nhận được nhiều tín hiệu khả quan, giúp đơn vị tiêu thụ sản phẩm”.

Không chỉ có 2 đơn vị nêu trên, các DN Bình Dương như gốm sứ Cường Phát; mây tre lá Thành Lộc, Viland Coffee, Trăn - Cá sấu Ngọc Sơn… đều đánh giá rằng, đẩy mạnh bán hàng thông qua các sàn TMĐT là giải pháp để DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường trong và ngoài nước với thời gian, chi phí thấp nhất.

Đại diện Công ty Cổ Phần Công nghệ Sapo (đơn vị cung cấp nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất Việt Nam) cho biết, hiện nay hơn 60% người mua hàng lên thẳng các trang TMĐT và gõ tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ, so với chỉ 54% người mua hàng tìm kiếm thông qua Google. Như vậy, sức hút của các trang TMĐT đang ngày càng trở nên lớn hơn và đáp ứng đúng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa của người mua hàng toàn cầu.

Điểm tựa phát triển

Việc đưa sản phẩm lên tiêu thụtrên sàn TMĐT đã không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên lại không hề đơn giản. Ông Nguyễn Quang Vũ, chia sẻ chất lượng sản phẩm mà đơn vị sản xuất rất tốt nhưng để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT gặp nhiều khó khăn, nhất là các sàn TMĐT tiềm năng như TikTok. Nguyên nhân do mọi vấn đề trao đổi qua môi trường điện tử, thuật toán của trang bán hàng này cũng thay đổi liên tục khiến DN khó bắt kịp. “Đây là điểm hạn chế chúng tôi đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh số. Các ngành chức năng cần hỗ trợ DN tiếp cận trực tiếp với các sàn TMĐT thông qua các hội thảo, hội nghị để giải quyết những tình huống cụ thể trong quá trình tham gia bán hàng online”, ông Nguyễn Quang Vũ đề xuất.

Phân tích nguyên nhân khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm lên sàn TMĐT Shopee, bà Nguyễn Lê Ly Na, Quản lý Cộng đồng người bán hàng Shopee nêu rõ, hiện nhận thức của DN về phương thức kinh doanh qua TMĐT còn hạn chế, thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng... “Để sản phẩm đến tay NTD đòi hỏi DN cần được đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và DN. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm”, bà Nguyễn Lê Ly Na nói.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương, đánh giá bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu, nhất là các DN vừa và nhỏ. Thời gian tới WTC Bình Dương sẽ tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các DN, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các DN.

 Để bắt đầu hành trình bán sản phẩm trên sàn TMĐT, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, mọi sự khởi đầu của một chiến lược mới, một giải pháp kinh doanh mới đều xuất phát từ sự tự tin của DN. Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức thêm nhiều hoạt động kết nối giao thương. Mục tiêu hướng tới là hỗ trợ DN có sản phẩm chất lượng tham gia các hội chợ, hội nghị chuyên ngành để tham gia vào các thị trường, tiêu thụ hàng hóa bền vững.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=587
Quay lên trên