Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các FTA nâng cao vị thế thương hiệu

Cập nhật: 18-08-2023 | 14:15:23

Hàng dệt, may xuất khẩu làm tốt công tác phòng vệ thương mại.

Năm 2023 được coi là năm bản lề và quan trọng đối với kinh tế-xã hội đất nước để đạt mục tiêu cho giai đoạn 2020-2025.

Hơn nửa chặng đường của năm đã trôi qua với một số chuyển biến tích cực từ khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp muốn phát triển ổn định và lâu dài cần không ngừng mở rộng thị trường mới, tăng cường đầu tư để nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, tính tới thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Phần lớn các FTA đều đã và đang phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy sản xuất và cải thiện kim ngạch thương mại của Việt Nam với giá trị xuất siêu 16,5 tỷ USD tính đến 7 tháng năm nay.

Theo các chuyên gia thương mại, với những FTA đã ký kết, triển vọng mở rộng thị trường, thương mại hóa các mặt hàng, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, theo báo cáo và tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiêp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết vẫn còn không ít lực cản khiến doanh nghiệp trong nước khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi thuế quan, nói cách khác là cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA; trong đó, bao gồm cả việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Theo bà Trang, trước hết phải kể đến là do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, thiếu thông tin cụ thể về các cam kết, các cách thức áp dụng, các quy tắc xuất xứ khó áp dụng, không ít cam kết FTA còn bất lợi với doanh nghiệp, bất cập trong thực thi FTA của một số cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương; chưa kể những yếu tố biến động và bất định của thị trường.

Trước thực tế ấy, bà Trang lưu ý các doanh nghiệp cần có ngay những hành động để tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao dịch; điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp, thực hiện các yêu cầu khác về giấy tờ, vận chuyển...để được hưởng ưu đãi.

Cùng với đó, doanh nghiệp nào xuất khẩu, cần tìm hiểu kỹ càng các cam kết về ưu đãi thuế quan và các điều kiện ưu đãi thuế quan tùy thuộc từng thị trường và từng FTA đã được ký giữa Việt Nam với các nước đối tác.

Đồng quan điểm với bà Trang, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay các doanh nghiệp hiện nay đang có nhiều cơ hội xuất nhập khẩu; nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại và còn khá nhiều dư địa để doanh nghiệp tiếp cận các thị trường như Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản, Hàn Quốc...

Với việc xuất khẩu, ông Sơn cũng nhìn nhận là còn nhiều khó khăn, thách thức tạo áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể như, doanh nghiệp vẫn chưa thể thâm nhập sâu, bền vững vào thị trường Trung Quốc, các hàng nông sản bị kiểm tra rất nghiêm ngặt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị cạnh tranh gay gắt với hàng hoá từ các nước lân cận, chi phí vận chuyển tăng cao...

Để có thể tích cực thúc đẩy doanh nghiệp khai phá và thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường mới, theo ông Sơn, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, cần đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ...

Chia sẻ thực tiễn doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết khó khăn về thị trường đang là áp lực rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản hiện nay.

Hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, EU vừa thông báo lượng tôm tồn kho còn khá nhiều nên hầu như doanh nghiệp không có đơn hàng mới.

Nếu có, các đối tác cũng ép giá rất mạnh. Không ít đơn vị vì muốn duy trì sản xuất, đành phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí lỗ để quay đồng vốn, có tiền trả nợ ngân hàng.

Kể cả với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khi xuất khẩu thủy sản tươi sống.

Hiện tại, cùng với cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, Sao Ta đang tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở đó mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp cũng tích cực củng cố bộ máy và hệ thống quản lý chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, cũng như các vấn đề về kinh tế xanh, đảm bảo thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tương tự ngành tôm, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh tính đến thời điểm này so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh là do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp; người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và chi phí bán hàng tăng khi công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là do ngành gỗ vốn khá nhạy cảm với tình hình vĩ mô trên thế giới.

Như thời điểm hiện tại, bối cảnh lạm phát đang diễn ra ở các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ và EU. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam.

Cũng chính sự suy thoái toàn cầu khiến làm giảm sức mua và giảm nhu cầu mua các mặt hàng được sản xuất từ gỗ tại Việt Nam.

Do đó, ở thời điểm hiện tại, khó khăn đang nhiều hơn cơ hội và có thể sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.

Trước diễn biến này, Gỗ An Cường đang tích cực triển khai các chiến lược kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào việc quảng bá tiếp thị và đổi mới quy trình sản xuất, hướng tới những giá trị thân thiện với môi trường để dễ tiệm cận tới các tiêu chuẩn của nhiều thị trường xuất khẩu./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=661
Quay lên trên