Bắt đầu từ ngày 1-7-2015, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Bình Dương đã chính thức triển khai áp dụng hệ thống chương trình phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi giấy phép lái xe (GPLX) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đăng ký hồ sơ đổi GPLX trực tuyến qua mạng. Việc đăng ký hồ sơ trực tuyến qua mạng là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại và giảm chi phí của cá nhân, tổ chức.
Người dân đăng ký đổi GPLX trực tuyến
Thủ tục đơn giản
Theo hình thức áp dụng hệ thống chương trình phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX, người dân có nhu cầu đổi GPLX thay vì phải đến Bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính tỉnh để thực hiện giao dịch thì nay chỉ cần truy cập vào trang thông tin điện tử: gplx.gov.vn (trang chủ). Sau đó vào mục đổi GPLX trực tuyến để thực hiện việc đăng ký. Sau khi đã điền đầy đủ thông tin, hồ sơ sẽ được rà soát trước, khi hồ sơ không hợp lệ sẽ có thông báo. Nếu hồ sơ hợp lệ, người đổi GPLX sẽ nhận được qua số điện thoại, hoặc hộp thư điện tử (do người đổi đăng ký trong thông tin) lịch hẹn đến làm việc theo ngày giờ người dân đăng ký. Khi đến làm thủ tục, người đổi GPLX cần mang theo GPLX cũ, hồ sơ gốc, chụp ảnh tại chỗ và chờ khoảng 2 giờ là có GPLX mới.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp đổi GPLX, Sở GT-VT đã phối hợp với Trung tâm Kinh doanh - VNPT Bình Dương triển khai dịch vụ đăng ký qua Tổng đài 1080. Để sử dụng dịch vụ này, người dân chỉ cần gọi điện đến số 1080, nếu gọi bằng điện thoại di động thì người gọi bấm thêm đầu số 0650 (tức 0650.1080), tổng đài 1080 phục vụ 24/24 từ thứ hai đến thứ sáu. Người gọi đến để đăng ký cần cung cấp các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên hệ, giới tính. Nhân viên trực điện thoại tiếp nhận, ghi đầy đủ thông tin, thời gian của người đăng ký đến điểm đổi GPLX tại Bộ phận “Một cửa” để thực hiện việc cấp đổi.
Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh, áp dụng phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 - đổi GPLX qua mạng là bước đi quan trọng của ngành GT-VT trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí của người dân được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đối với việc đăng ký tổng đài 1080, để thuận tiện cho người dân đến đổi GPLX, sở cũng đã bố trí một quầy riêng để tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời, bổ sung thêm nhân lực tại khu vực cấp, đổi để bảo đảm người dân được hoàn thành thủ tục nhanh chóng. Cũng theo ông Luận, đổi GPLX qua mạng là dịch vụ tiện ích nhưng chưa nhiều người dân biết đến. Do đó, rất cần các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân biết, hiểu thực hiện; về phía sở cũng đã đăng thông tin trên Website Sở, dán thông báo tại Bộ phận một cửa.
Nhanh, gọn…
Việc áp dụng đăng ký đổi GPLX qua Tổng đài 1080 được bắt đầu từ ngày 18-5-2015. Tính đến thời điểm này, trung bình mỗi ngày có hơn 20 người gọi đăng ký và hẹn lịch đến Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở GT-VT Bình Dương để đổi GPLX.
Đối với dịch vụ công mức độ 3 về đổi GPLX tại Sở GT-VT Bình Dương chỉ mới bắt đầu áp dụng từ ngày 1-7 vừa qua, nhưng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đến nay, Sở GT-VT đã nhận hơn 80 lượt đăng ký và đã có 41 lượt khách đến đổi GPLX theo hình thức này, thời gian chờ đợi là không quá 2 giờ, người dân sẽ được nhận GPLX mới tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở GT-VT Bình Dương. “Nhanh chóng, tiện lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc là điều tôi nhận thấy qua dịch vụ cấp đổi GPLX qua mạng”, đó là nhận xét của ông Lê Duy Định, khu phố 1, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một.
Nhằm giúp người dân giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí đi lại, Sở GT-VT cũng đã liên kết với Bưu điện tỉnh trả GPLX đến tận tay người dân. Thời gian chuyển GPLX theo quy định 3 - 5 ngày kể từ khi bưu điện nhận hồ sơ từ Sở GT-VT. Để thuận lợi thực hiện việc ký kết, cũng như nhanh chóng chuyển GPLX đến tay người dân, Bưu điện tỉnh bố trí từ 3 - 5 nhân viên túc trực thường xuyên ở Khu hành chính mở tại Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh và bố trí một quầy để tiếp nhận, phân loại hồ sơ từ các sở. Sau khi tiếp nhận, tất cả hồ sơ được tập hợp đưa về Bưu điện tỉnh, phân loại chuyển cho các huyện, thị, thành phố; Bưu điện các tỉnh, thành. Từ đó, nhân viên Bưu điện ở cơ sở sẽ trao trả hồ sơ đến tận tay người dân đã đăng ký chuyển phát theo đường bưu điện.
Với những nỗ lực của lãnh đạo Sở GT-VT, hiện nay khu vực đổi GPLX không còn tình trạng người dân phải xếp hàng chung cảnh chờ đợi như trước. Từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp đổi GPLX, Sở GT-VT đã giúp người dân giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm được chi phí đi lại.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Sở GT-VT đã cấp đổi trên 32.000 GPLX cho người dân. Để giảm quá tải trong việc cấp đổi GPLX, sở có những bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính qua việc phối hợp trả GPLX tận nhà; triển khai dịch vụ đăng ký đổi GPLX qua tổng đài 1080; đổi GPLX cấp độ 3… Các dịch vụ trên nhận được sự hài lòng của người dân khi không phải chờ đợi để làm thủ tục đổi GPLX.
THIÊN LÝ