Trong khi sân chơi chuyên nghiệp V-League các đội bóng phải khổ sở kéo khán giả đến sân thì những sân chơi phủi trên khắp cả nước lại chứng kiến hình ảnh vỡ khán đài khi người hâm mộ vẫn đến và ủng hộ môn thể thao vua.
Ở V-League 2017, các sân lớn như Thống Nhất, Hàng Đẫy, Long An hay Hòa Xuân nơi có sự hiện diện của những đội bóng lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng những ông lớn của làng bóng nội, mỗi khi có trận đấu phải chứng kiến cảnh đìu hiu trên các khán đài. Mỗi trận đấu, hiếm khi xảy ra tình trạng vỡ sân, khán đài chật kín. Thường thì khán giả chủ yếu xuất hiện bên khán đài A, nhưng không phải tự mua vé vào sân mà từ những tấm vé mời.
Hình ảnh đối lập giữa V-League và sân chơi “phủi”
Có trận đấu ở V-League mùa này, tính cả lực lượng bảo vệ, nhân viên phục vụ trận đấu, lãnh đạo của cả hai đội bóng, số lượng người xuất hiện trên sân chưa đến 200 khán giả. Một con số khá buồn cho V-League, giải đấu năm nay đã bước sang tuổi 17. Nói vậy không có nghĩa khán giả quay lưng hoàn toàn với giải đấu chuyên nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Những cái tên như HAGL, Thanh Hóa hay SLNA vẫn là thỏi nam châm kéo người hâm mộ đến sân. Mỗi khi Công Phượng và đồng đội xuất hiện ở sân nhà cũng như sân khách, các khán đài gần như chật kín, vẫn xảy ra tình trạng cháy vé, bởi người hâm mộ yêu cái đẹp mà đám trẻ nhà bầu Đức tạo nên. Nhưng, một cánh én không thể làm nên mùa xuân.
Đối lập hoàn toàn với sân chơi V-League, nơi có những sân vận động lớn, sức chứa vài ngàn người, những giải bóng đá phủi lại đón nhận lượng khán giả khủng, thậm chí họ sẵn sàng đứng để theo dõi giải đấu. Có thể kể ra đây một vài giải đấu đã trở thành thương hiệu ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Ở tuổi lên 5, giải HPL - Cúp Bia Saigon Special đã tạo dựng được thương hiệu, tiếng vang của mình ở đất Hà Thành. BTC của giải đấu đã vượt qua mọi khó khăn để duy trì, phát triển giải đấu tạo sân chơi riêng cho giới phủi ở Hà Nội. Không những thế, giải HPL hiện đang có hai giải đấu hạng nhất và ngoại hạng. Mỗi trận đấu của HPL, khán giả luôn đến chật kín sân Học viện An ninh C500, với sức chứa chỉ có 2.000 chỗ ngồi, nhưng vì giải diễn ra liên tục từ đầu giờ chiều đến tối, nên mỗi vòng đấu HPL đón nhận lượng khán giả trung bình từ 7.000 - 8.000 khán giả ra vô liên tục. Thậm chí, người hâm mộ không dám rời đi vệ sinh vì sợ mất chỗ ngồi.
Ngược vào TP.HCM, giải bóng đá Thiên Long - Cúp Trần Doãn cũng đã bước sang tuổi lên 3. Được tổ chức tại sân Đầm Sen với sức chứa gần 2.000 người, mỗi lượt trận diễn ra, BTC giải đón nhận số lượng khán giả hơn 3.000. Đây cũng chính là sân chơi dành riêng cho giới phủi Sài Thành, là nơi để cho các tuyển thủ Quốc gia như Huỳnh Quang Thanh, Ngọc Thanh, Quang Hải thể hiện được đẳng cấp của mình khi đã từ giã sân cỏ chuyên nghiệp.
Từ con số 7.000 CĐV của HPL - Hà Nội hay hơn 3.000 CĐV Thiên Long - TP.HCM, nhìn về sân chơi V-League với con số lác đác chưa đến 1.000 người, ắt hẳn những nhà tổ chức sẽ phải tìm ra bài toán để kéo thêm nhiều người hâm mộ đến sân.
THÁI HẢI