Cải tiến phương thức tiếp xúc cử tri
Về hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh, các ĐB đều đánh giá, hoạt động giám sát năm 2013 của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh thực hiện tốt, đã bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động giám sát có rất nhiều cải tiến như tổ chức khảo sát thực tế trước khi giám sát, có chụp ảnh để minh chứng cho cuộc giám sát, từ đó kết luận - kiến nghị của Đoàn giám sát mang tính thuyết phục cao, các đơn vị chịu sự giám sát thừa nhận là đúng thực tế. Các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi trong giờ giải lao Ảnh: Q.CHIẾN
Trong hoạt động TXCT cũng có nhiều đổi mới như: xác định nội dung báo cáo với cử tri trước kỳ họp là báo cáo hoạt động của HĐND; còn nội dung báo cáo cử tri sau kỳ họp là báo cáo kết quả đạt được dưới sự điều hành của UBND. Thời gian TXCT được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin, đối tượng cử tri được mở rộng. Công tác tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho ĐB HĐND tỉnh được quan tâm nhiều.
Với kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 là 4.500 tỷ đồng, các ĐB HĐND tỉnh đề nghị tỉnh nên bố trí tập trung đầu tư cho các công trình bức xúc, quan trọng, hạn chế đầu tư dàn trải; đồng thời, có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm chất lượng các công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng theo các ĐB vẫn còn những hạn chế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói “Tôi đã tham gia ĐB HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ, đã nhiều lần TXCT nên theo tôi, cần thay đổi cách TXCT. Thực tế cho thấy, cử tri chủ yếu gồm 2 đối tượng là hưu trí và người cao tuổi. Số còn lại chủ yếu là những người có bức xúc đến để khiếu nại tố cáo, chứ không đóng góp cho hoạt động HĐND tốt hơn. Vì vậy tôi nghĩ phải TXCT trên tinh thần ĐB tiếp xúc với cử tri, chứ không phải cử tri tìm đến ĐB. Có như vậy mới tập hợp được rộng rãi cử tri, đóng góp cho hoạt động HĐND tốt hơn”.
Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Thường trực HĐND tỉnh xin tiếp thu và sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện, thị, thành phố nghiên cứu, cải tiến phương thức TXCT cho phù hợp hơn. Thời gian qua, đã có một số địa phương có cách làm phù hợp như huyện Dầu Tiếng bố trí tiếp xúc cử tri tỉnh, huyện vào buổi chiều vì buổi sáng cử tri thường đi cạo mủ cao su; còn TP.TDM bố trí tiếp xúc cử tri phường vào buổi tối để cử tri có điều kiện đi dự đông hơn. Vì vậy, dự kiến năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị để bàn về chuyên đề này.
Có kế hoạch phòng, chống ngập úng hiệu quả
Về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014, các ĐB cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong thời gian qua, mặc dù tỉnh có đầu tư vốn ngân sách và huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp (DN) và người dân nhưng nguồn vốn đầu tư cho NTM vẫn còn hạn chế. Số lượng DN trên các địa bàn huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng ít và người dân còn nghèo nên nguồn vốn huy động xây dựng các xã NTM không cao. Tỉnh cần tính toán đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo lộ trình 2014-2015 để bảo đảm đến năm 2015 các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã NTM.
ĐB Võ Đông Điền: “Nếu định hướng cho công tác phòng chống ngập úng chỉ dừng lại ở “Tăng cường kiểm tra an toàn công trình hồ, đập, hệ thống đê bao, kênh rạch; cập nhật thông tin tình hình thời tiết, triều cường, xả lũ các hồ chứa để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật và điều kiện hoạt động các bến khách ngang sông, bến lên xuống hàng hóa trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, Sông Bé” là rất chung chung, cần cụ thể và quyết liệt hơn”.
ĐB Võ Đông Điền thì cho rằng, năm qua xảy ra nhiều đợt triều cường gây ngập sâu, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nuôi trồng của bà con. Cụ thể là các khu vực trũng như Mỹ Phước (Bến Cát), các xã, phường ven sông Sài Gòn ở TP.TDM, TX.Thuận An… Vì vậy, công tác phòng, chống ngập úng do triều cường gây ra là hết sức cần thiết và cấp bách. UBND tỉnh cần có kế hoạch quyết liệt hơn; rót nhiều kinh phí nhiều hơn để liên tục gia cố các bờ bao.
“Theo báo cáo năm 2013, sản lượng điện tiêu thụ đạt gần 5,9 tỷ kWh, tăng 12%; trong đó, sản lượng cung ứng cho công nghiệp tăng 11,2%, chiếm tỷ trọng 81%. Lắp đặt mới 18.243 điện kế, nâng tổng số điện kế đang vận hành trên toàn hệ thống là 325.572 điện kế. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn tỉnh đạt 99,91%. Nhưng khảo sát nhiều nơi chúng tôi thấy điện còn rất yếu. Việc cúp điện không báo trước xảy ra thường xuyên đã ảnh hưởng đến DN vì sản phẩm hư hưởng, ảnh hưởng dây chuyền sản xuất… Vì vậy, trong công tác điều hành, UBND tỉnh cần xem xét”, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn
Liên quan đến phát triển kinh tế, ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn: “Với các con số mà báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013 của UBND tỉnh đưa ra thì quả là đáng mừng. Trong khi tình hình kinh tế trong nước, thế giới còn khó khăn nhưng Bình Dương đã đạt kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng và các chỉ tiêu cơ bản tăng cao, đều đạt gần gấp đôi so với cả nước. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn. Tuy lãi suất ngân hàng có hạ nhưng nhiều DN rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Đồng thời, tỉnh cần kiến nghị Trung ương sửa đổi quy định về mức xử phạt trong việc chậm nộp thuế vì mức lãi phạt quy định hiện nay quá cao, gây khó khăn đối với DN”.
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn cũng chia sẻ: “Chủ trương, chính sách giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp là hết sức cần thiết nhưng việc triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ còn chậm. Đến nay, số lượng DN, người dân tiếp cận nguồn vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dẫu biết rằng có nhiều nguyên nhân và vướng mắc ở nhiều khâu, tuy nhiên tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, đừng để chủ trương đúng đắn này chỉ “đẹp” trên giấy”.
THU THẢO