Bình Dương là tỉnh có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển tương đối đầy đủ, trải đều khắp các huyện, thị, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Những năm qua, tỉnh và các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN như: Đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo trước yêu cầu, đòi hỏi gắt gao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đầu tư để đổi mới
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương là 1 trong 5 trường cao đẳng nghề chất lượng cao nằm trong chương trình liên kết hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về lĩnh vực đào tạo nghề. Trường được thành lập với mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực. Trường đã được đầu tư 6 triệu USD (tương đương khoảng 130 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc nhằm mua sắm các trang thiết bị, máy móc thực hành tiên tiến, đổi mới chương trình và giáo trình đào tạo. Các nghề được đầu tư từ dự án bao gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Hàn, Cơ điện tử và Công nghệ ô tô. Với cơ sở vật chất, nhà xưởng hiện đại, trường tự tin đào tạo ra những lao động giỏi chuyên môn, vững thực hành khi ra trường.
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An ký kết hợp tác với doanh nghiệp
Đối với trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, việc đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo cũng là hướng đi mới của trường để tạo ra những lao động đủ năng lực, trình độ. Năm nay, trường đã được đầu tư 10 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị mới. Ngoài ra, trường còn được các doanh nghiệp hỗ trợ máy móc cho sinh viên thực hành các ngành nghề kỹ thuật. Ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trang thiết bị hiện đại được đầu tư phục vụ cho các nghề trọng điểm như: Điện tử công nghiệp, cơ khí chế tạo, bảo dưỡng công nghiệp, cơ điện tử… Với cơ sở vật chất đó, các em học viên được thực tập ngay trên máy sẽ thành thạo, vững tin khi ra trường bắt đầu công việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn đổi mới bằng cách xây dựng kế hoạch tuyển sinh hàng năm; tổ chức hội thảo chuyên đề; tăng cường quảng bá hình ảnh trường đến với học sinh trong, ngoài tỉnh.
Ngoài 2 trường trên, các cơ sở GDNN trong tỉnh cũng đã được tỉnh đầu tư để phát triển dạy, học nghề hướng đến đáp ứng nhu cầu lao động cho một tỉnh công nghiệp và phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đào tạo gắn với doanh nghiệp
Đó là mục tiêu của các trường để thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Để các trường có điều kiện gặp gỡ doanh nghiệp tìm hướng liên kết đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức các hội thảo. Tại hội thảo, nhu cầu của doanh nghiệp, phương hướng đào tạo của nhà trường được đưa ra bàn bạc để có hướng đi mới trong học và hành. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ học bổng, tham gia đào tạo tại các trường để tìm ra những nhân tố xuất sắc cho công ty, doanh nghiệp.
Bên cạnh sự hỗ trợ của sở, các trường đã tìm cho mình hướng đi riêng. Điển hình như trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, một trong số ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho học sinh đi thực tế, thực tập trong KCN Đồng An và các KCN trong tỉnh. Qua các đợt thực tập, hầu hết sinh viên của trường được các doanh nghiệp giữ lại làm công nhân chính thức với mức thu nhập cao, ổn định lên đến 98%. Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên, giáo viên đến các trường để thực hành nâng cao kỹ năng giảng dạy, cũng như thực hành qua các bài giảng trên lớp. Hay trường Cao đẳng Công nghệ và Nông Lâm Nam bộ (TX.Dĩ An), mỗi ngành nghề, trường liên kết với 3 - 4 doanh nghiệp để đào tạo, cung ứng lao động. Những năm gần đây, nhà trường thường xuyên liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh có môi trường thực tập tốt nhất. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, các doanh nghiệp đều chủ động thông báo với nhà trường về kết quả rèn luyện của từng học sinh và kèm theo thông tin tuyển dụng để học sinh có cơ hội đăng ký vào làm việc.
Ông Trần Đăng Bổng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Nông Lâm Nam bộ cho biết: “Việc gắn công tác đào tạo nghề của nhà trường với nhu cầu của các doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. Chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất. Nhờ đó, các em dần làm quen với môi trường sản xuất hiện đại, kỷ luật cao, kỹ năng tay nghề sát yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, các doanh nghiệp được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất…”.
Để tăng cường sự liên kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo nghề nhằm mang lại “lợi ích kép” cho cả hai bên, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, sở sẽ sớm tham mưu với cơ quan chức năng ban hành cơ chế chính sách về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Việc này có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động vì người lao động sẽ có ý thức hơn trong việc nâng cao tay nghề, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với người lao động. Ông Tuyên cũng cho biết thêm, đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, các trường cũng đã chủ động từ việc tổ chức tuyển sinh, giới thiệu hình ảnh trường, cử giáo viên học thêm nâng cao trình độ, tổ chức nhiều hội thảo…
Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” có các nội dung chủ yếu: Đổi mới công tác quản lý GDNN; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; phát triển mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn về GDNN …
TỐ TÂM