Đến thăm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là những ngôi nhà mới, nhiều đàn bò, heo, vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Điều này khẳng định, đời sống ĐBDTTS đã đổi thay hoàn toàn, từ những hộ sống ngay trong lòng thành phố đến các xã vùng nông thôn.
Lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo
Chú trọng phát triển kinh tế
Bình Dương hiện có 24 dân tộc thiểu số với 28.266 nhân khẩu. Hầu hết ĐBDTTS sống đan xen với người Kinh, có 2 dân tộc sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng và người Hoa sống tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An. Thời gian qua, được sựquan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể đã tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS đang sinh sống trên địa bàn. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo là ĐBDT ngày một giảm, hiện chỉ còn 79 hộ nghèo, hộ giàu khá tăng đáng kể với 1.694 hộ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuyến khích đồng bào làm giàu chính đáng cũng được địa phương nhân rộng. Công tác đào tạo nghề cho ĐBDTTS được quan tâm đúng mức với một số nghề cơ bản, như: Cạo mủ cao su, chăm sóc cây kiểng, cắt tóc, chăn nuôi, trồng nấm… Ông La Văn Sự (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) là đồng bào dân tộc Sán Chay phấn khởi, nói: “Được Nhà nước hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón trồng điều, cao su mà đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, cócuộc sống ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, hiện nay đời sống bà con ĐBDTTS ngày càng khấm khá hơn”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Hiện nay, đời sống ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh khá ổn định, nhiều hộ giàu, mua sắm được phương tiện hiện đại trong gia đình. Các đồng bào dân tộc sống đan xen với người Kinh tạo thành một cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Việc thực hiện các chương trình dự án như cấp đất sản xuất, làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, chợ... đã góp phần xóa dần mức chênh lệch về đời sống giữa các dân tộc. Cùng với những chính sách dân tộc chung của Nhà nước, ĐBDTTS trong tỉnh luôn được quan tâm hỗ trợ, do vậy đời sống của đồng bào đã có những thay đổi rõ rệt, nhiều cán bộ là người dân tộc, giữ vị trí quan trọng”.
Nâng cao đời sống tinh thần
Kinh tế ổn định, đời sống tinh thần của ĐBDTTS cũng ngày một nâng cao. Hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho ĐBDTTS. Những buổi giao lưu văn nghệ được tổ chức có sự tham gia của ĐBDTTS đã làm cho các chương trình âm nhạc càng thêm sôi động. Hiện nay, bà con đồng bào đang tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện theo quy ước về việc cưới, việc tang, bài trừc ác hủ tục mê tín dị đoan, tham gia xây dựng bảo vệ các công trình văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, ĐBDTTS luôn đồng tình hưởng ứng các phong trào làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, Bình Dương còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS. Tại các buổi tư vấn, các tuyên truyền viên đã trao đổi, chia sẻ với bà con những thắc mắc liên quan đến Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ và các quy định khi tham gia giao thông.
KIM HÀ