Nhiều tay súng đi trên xuồng cao su hôm qua đã tấn công một đơn vị quân đội trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria, làm nhiều người thiệt mạng.
Đây là cuộc tấn công từ trên biển đầu tiên kể từ các cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad bùng phát 13 tháng trước.
Cuộc tấn công trong đêm, cùng với các vụ giết hại ít nhất 15 người ở hai khu vực gần thủ đô, làm thỏa thuận ngừng bắn do Liên hiệp quốc làm trung gian trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Binh sĩ Syria mang quan tài của các đồng nghiệp thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết mới đây. Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria cho biết, nhiều tay súng và các binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu sau vụ tấn công gần cảng Latakia ở miền bắc, cách nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 35km.
“Cuộc giao tranh…đã khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng và bị thương, trong khi cũng có nhiều tên trong nhóm khủng bố bị tiêu diệt. Song không rõ số lượng là bao nhiêu, do chúng tấn công đơn vị quân đội trong đêm”, SANA cho hay.
Hãng thông tấn này cũng không cho biết quốc tịch của những kẻ tấn công.
Damascus trước đây đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép vũ khí và tiền bạc được chuyển tới quân nổi dậy trong suốt quá trình bất ổn kéo dài 13 tháng qua tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi cư ngụ của ban lãnh đạo Lực lượng quân đội Syria tự do, lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon vào tuần này đã cáo buộc Damascus phá vỡ cam kết rút vũ khí hạng nặng và quân đội khỏi các thành phố và cho biết ông “vô cùng lo ngại trước thông tin bạo lực và giết chóc vẫn diễn ra tại Syria”.
Song báo chí Syria đã phản pháo, cho rằng ông Ban cùng cộng đồng quốc tế đang đổ thêm dầu vào lửa xung đột, khi phớt lờ “những tội ác và hành động khủng bố” do phiến quân chống ông Assad tiến hành.
Nga, một trong những đồng minh lớn của Damascus, tái khẳng định rằng quân nổi dậy chủ yếu là bên vi phạm lệnh ngừng bắn và đang cố gắng khuyến khích nước ngoài vào can thiệp.
Pháp cho biết nếu lực lượng của ông Assad không trở lại đơn vị của họ, thì tháng tới nước này sẽ thúc đẩy nghị quyết “Chương 7” của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, theo đó có thể cho phép hành động từ trừng phạt kinh tế tới can thiệp quân sự.
Song Nga và Trung Quốc vẫn tỏ rõ rằng họ sẽ phủ quyết bất kỳ hành động quân sự kiểu Libya nào và cũng đã phản đối ý tưởng trừng phạt.
Theo Dân Trí