Toàn huyện Phú Giáo có 825 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 3.043 nhân khẩu. Điều đáng mừng là đến nay, không có hộ dân tộc thiểu số nào thuộc diện hộ nghèo của huyện. Đời sống của bà con không chỉ ổn định mà có nhiều hộ khá và giàu.
Đại diện chính quyền trao nhà tình thương cho hộ gia đình chị Ngưu Kim Anh, dân tộc Khmer tại ấp Tân Thịnh
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Phú Giáo chủ yếu là người Hoa, Khmer, Nùng, Tày, Chăm, Mường, S’tiêng, Châu Ro, Thái, Sán Dìu, Sán Chỉ, Dao, Thổ, Bana…; rất ít đồng bào sống tập trung theo làng, bản mà sống rải rác, xen kẽ ở các khu phố, xã, thị trấn. Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, trong giai đoạn 2016-2020, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khá lên và ổn định hơn trước rất nhiều. Hầu hết các hộ có đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu trồng trọt các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su và cây ăn trái…; đồng thời trồng xen cây ngắn ngày như mì, hoa màu và chăn nuôi.
Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết: “Để giúp bà con ổn định, vươn lên làm giàu, các ban ngành, đoàn thể đã giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Các chính sách dân tộc của Nhà nước được thực hiện tốt như chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ các nguồn tín dụng ưu đãi, chính sách khám, chữa bệnh… nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con tăng lên, cải thiện tình hình phát triển kinh tế tại địa phương”.
Cũng theo bà Dung, các chính sách đầu tư, chăm lo cho các đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây đã tác động làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc của huyện. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững trong đồng bào. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được địa phương quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Điện lưới đến 100% các xã trên địa bàn và 100% số hộ sử dụng điện; 100% số hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh trong sinh hoạt.
Q.TÁM