Trước đây do chưa tìm được mô hình sản xuất, kinh doanh hợp lý nên số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong tỉnh thuộc diện hộ nghèo (HN) còn khá nhiều. Đến nay với sự hỗ trợ vốn vay của Nhà nước, mô hình sản xuất của địa phương cộng với sự nỗ lực của chính ĐBDTTS nên số HN đã giảm. Có cuộc sống đầy đủ, sung túc, các hộ đồng bào dân tộc quyết tâm không để tái nghèo mà nỗ lực hơn nữa để vươn lên làm giàu.
ĐBDTTS được tổ chức đi học kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại huyện Dầu Tiếng
Xã không còn hộ nghèo
Đến với xã Tam Lập, huyện Phú Giáo những năm gần đây, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của mảnh đất này. Những ngôi nhà tranh xưa đã được thay thế bằng tường xây khang trang; hay những vùng đất trống đã được phủ màu xanh của cao su, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước sự đổi thay đó của địa phương, đời sống người dân nơi đây cũng được nâng lên, nhất là các hộ ĐBDTTS. Tính đến nay, toàn xã có 24 hộ ĐBDTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Chay. Họ đến đây lập nghiệp từ những năm 1980. Sau bao năm tháng làm ăn, giờ đây họ đã cùng “nắm tay nhau” thoát nghèo. Do đó, xã hiện không còn hộ nghèo trong ĐBDTTS. Nhiều hộ trong số đó còn thuộc diện hộ giàu của xã với nhà xây khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, xe cộ.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, cho biết để gặt hái được “quả ngọt” trong công tác giảm nghèo trong ĐBDTTS, được sự chỉ đạo của huyện, lãnh đạo xã đã động viên, khuyến khích các hộ ĐBDTTS thay đổi cách làm ăn, canh tác. Từ việc trồng lúa, cây ăn trái chuyển sang cây cao su; thay vì làm nông chỉ biết nhờ “trời” nay chuyển sang áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi để tăng năng suất, tránh rủi ro. Xã liên tục tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn người dân làm ăn. Đồng thời, địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho các hộ ĐBDTTS vay vốn ưu đãi để sản xuất.
Cũng như Tam Lập, các xã khác trong tỉnh như Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng)… có đông ĐBDTTS, số hộ nghèo cũng giảm khá nhanh. Đơn cử như xã Minh Hòa, trước đây hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Chăm lúc nào cũng rơi vào con số 15 đến 20 hộ trên tổng số hơn 100 hộ người Chăm. Thế nhưng, hiện nay toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo. Hộ nghèo giảm tương đồng với đời sống người dân đã được nâng lên, mức sống tăng cao. Đó là khẳng định của anh Du Số, Phó Giáo cả Ban Quản trị Thánh đường Hồi Giáo làng Chăm Minh Hòa. “Trước đây, chúng tôi cực khổ vì chưa biết cách làm ăn nên trồng cây, cây chết, nuôi con gì cũng không có lời. Giờ được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên ai cũng mạnh dạn sản xuất. Mặt khác, người Chăm được Đảng, Nhà nước quan tâm nên con đường vào làng được bê tông sạch sẽ thuận tiện giao lưu, mua bán. Chính vì vậy số hộ nghèo giảm, một số hộ còn là hộ giàu, mua xe hơi, máy cày, máy cuốc để phục vụ làm rẫy…”, anh Du Số nói.
Để thoát nghèo bền vững
Theo thống kê của Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 56 hộ nghèo là người ĐBDTTS. Số hộ nghèo giảm mạnh so với năm 2015. Tuy nhiên, những người làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh, lãnh đạo các địa phương có đông ĐBDTTS luôn tiếp tục quan tâm nhằm nâng cao hơn nữa mức sống cho người dân tộc. Đại diện Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh cho biết để giúp ĐBDTTS ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách cho bà con ĐBDTTS. Cụ thể, đã ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ông Bế Văn Hậu, người dân tộc Tày ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương cho vay vốn sản xuất, đến nay gia đình ông đã ổn định cuộc sống với 2 ha cao su đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, ông còn mở rộng kinh doanh tạp hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình nay đã ổn định, 3 người con của ông đều có việc làm”.
Để tiếp tục giúp các HN thoát nghèo, cũng như những hộ mới thoát nghèo không tái nghèo, những năm tới, Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền, phối hợp được triển khai có hiệu quả; quan tâm chăm lo cho ĐBDTTS ở các lĩnh vực sản xuất, y tế, giáo dục; ĐBDTTS đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí; học sinh, sinh viên ĐBDTTS được miễn, giảm học phí, trợ cấp tiền ăn, ở… Những chính sách trên sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con ĐBDTTS, nâng cao nhận thức, lòng tin của bà con dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo thống kê, Bình Dương hiện có 24 dân tộc thiểu số, với 6.892 hộ gồm 24.177 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,16% dân số toàn tỉnh. Hầu hết ĐBDTTS sống đang xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh, riêng có 2 dân tộc sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng và người Hoa sống tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An. Bên cạnh việc hỗ trợ ĐBDTTS sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, các ngành, địa phương trong tỉnh còn tổ chức các sân chơi văn nghệ, thể thao giúp bà con ĐBDTTS lưu giữ bản sắc văn hóa, từ đó làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa của tỉnh. Ngoài ra, bà con ĐBDTTS còn tích cực tham gia hội thao, hội diễn văn nghệ do tỉnh, các địa phương tổ chức; tham gia thi đấu hội thao đồng bào dân tộc toàn quốc đạt nhiều huy chương cho tỉnh nhà.
T.LÝ