Đồng bộ giải pháp, tiến tới loại trừ bệnh dại

Cập nhật: 07-09-2022 | 09:38:03

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy những năm gần đây có nhiều người tử vong vì bệnh dại. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin dại cho động vật, chăm sóc y tế kịp thời cho người không may bị động vật cắn. Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022- 2030 hướng đến việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

 Cơ quan chuyên ngành thú y phối hợp các địa phương tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại và tiến tới xóa bệnh này vào năm 2030

 Phấn đấu không còn bệnh dại

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) vừa chủ trì tổ chức Hội thảo phổ biến Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại tỉnh Bình Dương. Theo ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, mục tiêu chung của chương trình là kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh dại và hơn 530.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Trong tháng 8-2022, cả nước xảy ra 36 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 15 tỉnh, thành. Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 100 trường hợp chó, mèo dương tính với vi rút dại tại 13 tỉnh. Tỷ lệ tiêm phòng trung bình cả nước đạt 40%.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân, hạn chế trong công tác quản lý, phòng trừ bệnh dại. Theo đó, công tác quản lý vật nuôi ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn nhiều người trọng thương hoặc chết người. Hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông, xử lý động vật nghi mắc bệnh dại. Bên cạnh đó, tỷ lệ chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại còn thấp và công tác phối hợp liên ngành còn nhiều hạn chế…

Bảo vệ sức khỏe người dân

Nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 744 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật, quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025, trên 80% trong giai đoạn 2026- 2030; tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030, xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện. Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin chính xác cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và cơ quan y tế gần nhất khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dại; cách ly theo dõi động vật có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, tiêu hủy động vật mắc bệnh dại theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương; nghiêm cấm mua bán, giết mổ, sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh dại; không vứt xác động vật ra môi trường; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy bắt buộc động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết do bệnh dại.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu, đề xuất, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y theo đúng chủ trương, quy định; bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Mặt khác, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành có liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung giải pháp chuyên ngành, bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin dại cho động vật. Định kỳ Sở NN&PTNT báo cáo kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch cho UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT để tổng hợp, đánh giá và đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Cùng với đó, căn cứ nội dung kế hoạch, UBND các phường, xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và chỉ đạo khu phố, ấp triển khai hoạt động cụ thể phù hợp với thực tế của từng địa phương, nhằm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời, các xã, phường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại; các dấu hiệu nhận biết bệnh dại; các biện pháp phòng, chống bệnh dại và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại; nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo; chấp hành việc xích, nhốt và tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi theo quy định.

 Tại Hội thảo phổ biến Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại được tổ chức tại khách sạn The Mira vừa qua, Bình Dương được công nhận 3 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh có 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại (TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và huyện Bàu Bàng) được Cục Thú y công nhận trên tổng số 15 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại cả nước.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên