Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020

Cập nhật: 04-02-2016 | 18:15:42

Năm 2015, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự hỗ trợ của nhân dân cả nước, sự đoàn kết nhất trí của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, cùng với sự nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về những kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2015 và những phương hướng, mục tiêu phát triển trong năm 2016.

- Thưa đồng chí, trong năm qua, Bình Dương đạt được nhiều kết quả nổi bật trên lĩnh vực phát triển KT-XH, đồng chí có thể đánh giá cụ thể hơn về những kết quả này?

- Có thể khẳng định, năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 và tạo tiền đề cho việc phát triển KT-XH trong giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh chung tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình KT-XH của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh được chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công. Các chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định (GDP tăng 13,2%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách đạt khá, thặng dư thương mại 3,7 tỷ USD, thu hút gần 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Những thành quả đạt được trong năm 2015 đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cho giai đoạn 2011-2015, GDP bình quân 5 năm tăng 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, đến cuối năm 2015 cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp đạt tỷ lệ tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%. GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra, cuối năm 2015 đạt 73,1 triệu đồng/người/ năm. Xuất khẩu duy trì được mức tăng trưởng cao, bình quân 19,5%, nhập khẩu tăng bình quân 16,9%/năm. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân tăng 4%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,8%. Tỉnh đã huy động tốt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 263.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại. Thu hút đầu tư vượt chỉ tiêu đề ra.

An sinh xã hội tiếp tục được chăm lo toàn diện, kịp thời, đặc biệt đối với người có công. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng cao; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trung tâm Hành chính tập trung nằm trong Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

- Để có được một Thành phố mới Bình Dương, một Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ như ngày hôm nay, đâu là những giải pháp được tỉnh tập trung thực hiện thời gian qua, thưa đồng chí?

- Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định mục tiêu: “…phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu đẹp” và đề ra 4 chương trình đột phá, trong đó có 2 nội dung là: Huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực; gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới, Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, gắn với đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Thực hiện các chương trình này, Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế và lợi thế so sánh với các tỉnh, thành về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị. Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, dự án lớn được khởi công xây dựng, tạo sự kết nối với các trung tâm phát triển trong tỉnh và kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và đô thị của tỉnh. Nổi bật nhất là công trình Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh được khánh thành trong tháng 2-2014. Đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc cải cách hành chính, tạo ra chất lượng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế.

Cùng với công trình quan trọng bậc nhất Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, các công trình khác như Công viên hồ nước trung tâm, Trung tâm thể dục thể thao, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế, các khu chung cư cao cấp, biệt thự, nhà phố, trung tâm thương mại; khu công nghệ cao của Tập đoàn Mapletree - Singapore… đã được xây dựng, tạo điểm nhấn đưa khu đô thị mới từng bước trở thành đô thị trung tâm của TP.Thủ Dầu Một và của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đã thực hiện nhiều công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đó là công trình đường Phạm Ngọc Thạch kết nối trung tâm Thành phố mới Bình Dương với đô thị Thủ Dầu Một; công trình cầu Ông Cộ nối liền TP.Thủ Dầu Một với đô thị Nam Bến Cát và huyện Dầu Tiếng; công trình đường Mỹ Phước -Tân Vạn nối đô thị Dĩ An, Thuận An, Thành phố mới Bình Dương với khu đô thị Mỹ Phước, Bến Cát (tương lai sẽ kết nối với đô thị Bàu Bàng)… đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Song song với hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng cấp thoát nước được tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, xây mới bảo đảm phục vụ cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

- Thưa đồng chí, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, đâu là những giải pháp đột phá để Bình Dương sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020?

- Những năm tới, tỉnh quyết tâm tập trung thực hiện các nhiệm vụ để đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình bảo đảm cho việc nâng cấp đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, trực thuộc Trung ương trước năm 2020; xây dựng Bình Dương thành đô thị xanh, bền vững, văn minh và hiện đại theo 3 khu vực: Đô thị trung tâm (TP.Thủ Dầu Một, đô thị Nam Tân Uyên, Bến Cát), đô thị phía Nam (TX.Thuận An, TX.Dĩ An) và đô thị phía Bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên); kết hợp đồng bộ giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn, trung tâm xã, phường.

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà thúc đẩy sự phát triển là mũi đột phá quan trọng gắn với kết nối các trung tâm đô thị; kết nối với hệ thống giao thông - vận tải của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, đặc biệt là nhà ở xã hội, giáo dục và y tế; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng hiện đại, kết nối các trung tâm đô thị trong tỉnh và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Song song đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế đô thị; từng bước đồng bộ hóa quy định về quản lý đô thị theo mô hình chính quyền đô thị văn minh, hiện đại; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung phát triển đô thị; phát triển đô thị bền vững trên cơ sở duy trì hoạt động kinh tế hiệu quả; phát triển khoa học, công nghệ mới, hiện đại và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tạo môi trường sống lý tưởng để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với Bình Dương. Với ý chí không ngừng vươn lên, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, tận dụng nội lực và khai thác tốt ngoại lực để phát triển, phấn đấu sớm xây dựng Bình Dương trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp.

- Với mục tiêu xây dựng Bình Dương văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đáng sống, theo đồng chí, tỉnh cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào để đạt được những tiêu chí này?

- Sau 19 năm tái lập, tỉnh Bình Dương đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng Đông Nam bộ và cả nước. Định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020 mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đề ra là: “Xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đáng sống, một thành phố loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020”. Mục tiêu này đã phác họa bức tranh cuộc sống mà nhân dân tỉnh Bình Dương đang hướng tới, là kết quả đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cũng như tiếp thu và gắn kết xu hướng phát triển chung của đất nước; đồng thời thể hiện rõ phương châm “Trọng dân, gần dân và sát dân”, xuất phát từ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Để phấn đấu hoàn thành định hướng đề ra, chúng ta cần phát triển hài hòa đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, phải bảo đảm phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh, quốc phòng. Do vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; quan tâm hơn nữa phát triển nông nghiệp, nông thôn đúng hướng, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị.

Thứ hai, không ngừng chăm lo nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phải bảo đảm mọi người lao động, người dân đang sống và làm việc ở Bình Dương được hưởng những thành tựu của sự phát triển mang lại, tương xứng với thành phố văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.

Thứ ba, tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiên quyết không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiếp tục thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường an ninh, quốc phòng; duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒ VĂN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=835
Quay lên trên