Dự án có hàm lượng công nghệ cao tăng nhanh

Cập nhật: 24-08-2012 | 00:00:00

Thời gian qua, cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang “chảy” mạnh về Bình Dương, lĩnh vực công nghiệp chế biến với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh lớn và sử dụng ít lao động xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các dự án này sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển công nghiệp bền vững mà Bình Dương đã đặt ra trong quá trình mời chào, thu hút đầu tư.  Phòng thực hành hiện đại để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Nhiều dự án công nghệ cao

Năm 2012, tuy tình hình chung không thuận lợi nhưng nguồn vốn FDI thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao “chảy vào” Bình Dương diễn ra khá suôn sẻ với hàng loạt dự án được trao chứng nhận đầu tư, khởi công, khánh thành nhà máy... Cụ thể là nhà máy sản xuất linh kiện máy tính, điện thoại di động, điện tử kỹ thuật số... với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD của Công ty TNHH Finecs Việt Nam, thuộc Tập đoàn Finecs Nhật Bản, chuẩn bị đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP I vào tháng 11 tới. Tập đoàn Finecs được thành lập năm 1969 tại Nhật và hiện là nhà sản xuất linh kiện, thiết bị trong các lĩnh vực điện tử, điện tử công nghiệp, tự động hóa hàng đầu thế giới. Sản phẩm của tập đoàn này được nhiều hãng điện tử nổi tiếng trên thế giới tin dùng. Sản phẩm của nhà máy Finecs tại Bình Dương sẽ được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh các dự án mới, các dự án có hàm lượng công ngệ cao đang hoạt động tại KCN này cũng đã quyết định tăng vốn đầu tư để tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cụ thể, Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm mạch in dẻo (FPC), vật liệu điện tử chính xác, vật liệu điện, các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn; các loại linh kiện quang học... với số vốn đầu tư ban đầu 50 triệu USD đã quyết định tăng thêm số vốn đầu tư 24,5 triệu USD, nhằm tăng quy mô sản xuất thêm 450 triệu sản phẩm/năm. Cũng tại KCN VSIP I, Công ty TNHH II-VI Việt Nam hoạt động sản xuất kính hồng ngoại, kính quang học chính xác và các bộ phận chính xác có liên quan đã hoạt động ổn định với vốn đầu tư 31 triệu USD, cũng đã quyết định tăng thêm 15,55 triệu USD vốn đầu tư để tăng năng lực sản xuất.  Sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao tại một DN FDI. Trong ảnh: Sản xuất ống thép xoắn phục vụ công nghiệp dầu khí tại nhà máy Công ty TNHH Xây dựng Yong Ho Vina - KCN Bàu Bàng

Ngoài các dự án nói trên, còn nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao được cấp phép đầu tư mới và tăng vốn trong trong năm 2012, tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như Công ty TNHH Meiwa Việt Nam tại KCN Mỹ Phước 3 hoạt động sản xuất máy cắm chip, rô-bốt công nghiệp; Công ty TNHH Japan Việt Nam Forging sản xuất linh kiện phụ trợ; Công ty TNHH Seebest tại KCN VSIP I tăng thêm 14,7 triệu USD nhằm tăng năng lực sản xuất cánh quạt các loại dùng trong động cơ diesel, linh kiện chính xác dùng trong các lĩnh vực khác...

Có thể nói, thu hút được nhiều dự án công nghệ cao sẽ tác động tích cực đến sự phát triển công nghiệp của tỉnh, vì các dự án này tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu lớn. Đơn cử như Công ty TNHH DJV (Hàn Quốc), tại KCN Mỹ Phước 3, chuyên sản xuất sản phẩm hỗ trợ như màn hình tinh thể lỏng LED, phụ tùng ô tô nhằm cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Chỉ với gần 70 công nhân kỹ thuật, nhưng theo ông Kang Myoung Jun, Giám đốc Công ty TNHH DJV, cho biết hàng năm DJV xuất khẩu đạt trên 12 triệu USD.

Nhờ có môi trường đầu tư tốt

Việc nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới chọn Bình Dương để đầu tư dự án có hàm lượng công nghệ cao là tín hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ Bình Dương luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI, bởi nơi đây có môi trường đầu tư tốt, đội ngũ lãnh đạo năng động và thân thiện như các nhà đầu tư FDI đã nhận định. Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, điểm nổi bật của Bình Dương là hạ tầng các KCN tốt, được quy hoạch bài bản, hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn quốc tế. Do vậy, hầu hết các dự án có hàm lượng công nghệ cao đầu tư vào Bình Dương đều chọn những KCN hiện đại. Nổi bật là các KCN VSIP, Mỹ Phước... Các KCN này có hệ thống đường sá kết nối với hạ tầng giao thông trong tỉnh và liên vùng, rất phù hợp để DN phát huy hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, Bình Dương còn thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh và các cấp luôn quan tâm và đồng hành với DN, xem thành công của DN là thành công của tỉnh... nên đáp ứng tốt các yêu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.

Điểm quan trọng tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực để hỗ trợ cho DN mà Bình Dương đã thực hiện từ nhiều năm nay. Bằng việc liên kết, hợp tác với các trường đào tạo để chuẩn bị nguồn lực có trình độ, có thể đáp ứng cho các ngành hàng thiên về công nghệ cao, sức cạnh tranh mạnh mà các DN đòi hỏi. Bằng cách vừa xây dựng, vừa hợp tác liên kết xây dựng phát triển các dự án giáo dục và đào tạo, đến nay trên địa bàn tỉnh có đến 7 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và 30 cơ sở dạy nghề. Nhờ vậy, nguồn lực qua đào tạo tại Bình Dương đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao mà DN cần. Bên cạnh đó, với vị trí kế cận TP.HCM, trung tâm đào tạo của cả nước, Bình Dương có nhiều lợi thế về đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề. Hơn nữa một phần trung tâm đại học quốc gia cũng nằm trên địa bàn tỉnh, nên nguồn lực cho các ngành công nghệ cao mà DN cần rất thuận lợi. Nói như ông Noboru Matsuda, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Finecs, đầu tư vào tỉnh gặp nhiều thuận lợi, cùng sự quan tâm của các cấp thì nguồn lực cho sản xuất cũng thuận lợi, dù nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng hơn 50 kỹ sư người Việt Nam được công ty tuyển chọn nhanh và gửi đi đào tạo tại Nhật hiện đã hoàn tất.

Ngoài ra, Bình Dương còn được biết đến với những chính sách đối với người lao động. Nhận thức vai trò quan trọng của lực lượng lao động nên Bình Dương chú trọng xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng như nhà ở tập thể cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp với giá 100 triệu đồng/căn hộ, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học... cùng với việc thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Hiện Bình Dương trở thành địa chỉ tin cậy về “an cư, lập nghiệp” đối với công nhân khi đến làm việc tại Bình Dương; qua đó giúp Bình Dương có nguồn lực ổn định, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ông Wada Yuji, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sun Steel đã không ngần ngại khi cho rằng: “Chúng tôi rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Bình Dương, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn, nhưng năm 2012 công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 120 triệu USD để tăng năng lực sản xuất”.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng: Môi trường đầu tư đã được kiểm chứng

Bình Dương là địa phương có môi trường tốt để thu hút đầu tư. Bằng chứng là chỉ trong 7 tháng, Bình Dương đã thu hút nguồn vốn FDI rất lớn, chiếm hơn 25% của cả nước. Đây là điều đáng tự hào. Với hơn 2.087 dự án, với số vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh, thành thu hút FDI hiệu quả nhất cả nước. Lĩnh vực đầu tư phần lớn thuộc về công nghiệp chế tạo là tín hiệu tốt và được đánh giá cao. Nguyên nhân Bình Dương thu hút FDI cao như vậy là do các nhà đầu tư có sự lựa chọn, ở đâu tốt nhất thì họ vào. Bên cạnh số dự án cũng như nguồn vốn đầu tư vào tỉnh liên tục tăng, nhiều nhà đầu tư còn tăng vốn cho các dự án đã đi vào hoạt động ổn định cũng cho thấy thành ý gắn bó và phát triển lâu dài của DN tại Bình Dương; cùng với đó là vốn FDI đầu tư vào Bình Dương được giải ngân cũng rất cao.

 TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=546
Quay lên trên