Đức tổ chức hội thảo khoa học về xung đột ở Biển Đông

Cập nhật: 11-12-2014 | 10:00:14

Ngày 9-12 tại trụ sở báo Die Tageszeitung (TAZ) ở thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, hội thảo: “Xung đột ở Biển Đông“ đã diễn ra dưới sự chủ trì của tiến sỹ Gerhard Will - nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và chính trị Đức.

Các học giả phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyên Đức/Vietnam+

Giáo sư, tiến sỹ chính trị học Howard Loewen thuộc Viện nghiên cứu hòa bình Hamburg và tiến sỹ Andreas Seifert, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội nghiên cứu quân sự Tuebingen cũng có bài tham luận quan trọng tại hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham gia của khoảng gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và sinh viên của Đức cùng một số kiều bào Việt Nam.

Tiến sỹ Gerhard Will đã có một bài trình bày chi tiết, điểm lại lịch sử vấn đề Biển Đông, những diễn biến mới đây nhất trong tranh chấp trên Biển Đông, nguy cơ gia tăng căng thẳng khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép các đảo và tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông, dự báo một số khả năng và khuyến nghị chính sách cho các bên.

Theo tiến sỹ Gerhard Will, khu vực Biển Đông có một tầm quan trọng đặc biệt đối với thương mại toàn cầu vì đây luôn là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp hàng đầu thế giới và cộng đồng quốc tế, gồm cả các quốc gia hay các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, trong đó có Đức đều có lợi ích sống còn trong việc duy trì môi trường hoà bình, bảo đảm thông thương hàng hải, hàng không đối với các tuyến đường qua Biển Đông.

Hội thảo thu hút khá đông các học giả, nhà báo của Đức quan tâm tới tình hình Biển Đông. Ảnh: Nguyên Đức/Vietnam+

Tác giả cho rằng, những diễn biến gần đây như Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa cùng với trước đó là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm tình hình khu vực gia tăng căng thẳng trở lại.

Chuyên gia này cho rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như củng cố, mở rộng một số đảo như đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.

Cũng theo tác giả, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang là một vấn đề đáng quan ngại bởi với xu hướng này, Trung Quốc sẽ theo đuổi các tham vọng chính trị nước lớn và quá đề cao lợi ích quốc gia của mình, đồng thời làm giảm cơ hội tiến hành đàm phán, thỏa hiệp với các nước khác để giải quyết các tranh chấp biển đảo đang nổi lên ở Đông Á.

Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng sự tăng cường tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ của Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt là cho lực lượng hải quân đang có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực cả ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Theo ông, đây là một diễn biến nguy hiểm vì có thể dẫn tới mất ổn định và an ninh của khu vực cũng như không có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Tác giả đánh giả, một cuộc chạy đua vũ trang, hay đơn giản là việc các nước phải đầu tư ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng sẽ làm tất cả nước ở khu vực phải gánh chịu những phí tổn lớn và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và tăng trưởng kinh tế chung của khu vực vốn đang phải chịu nhiều thiệt hại do cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu.

Theo ông Gerhard Will, việc giải quyết tình hình Biển Đông đòi hỏi các bên phải thông qua thương lượng, đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông đã đề xuất hai giải pháp cho tình hình Biển Đông như sau: một là, các nước cần xây dựng lòng tin với nhau và lòng tin này cần được dựa trên cả hai trụ cột là hợp tác về kinh tế và đối thoại về chính trị, các bên cũng cần luôn duy trì cơ chế đối thoại ở cả cấp độ song phương và đa phương; hai là, các bên cần trao đổi thẳng thắn về yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực Biển Đông và nếu có thể nên khoanh vùng những khu vực xung đột để đàm phán giải quyết từng vụ việc, trên cơ sở các nguyên tắc hợp tác chính trị chung.

Trong bài tham luận của mình, tiến sỹ Andreas Seifert đã đi sâu đánh giá về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và cách thức tuyên truyền của Trung Quốc đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông.

Tác giả cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý xét cả về mặt pháp lý và địa lý, cố tình tạo sự mập mờ cho cả dư luận nước này và dư luận quốc tế; yêu sách này của Trung Quốc bắt nguồn từ nguyên nhân quan trọng là dự trữ dồi dào về dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên biển ở Biển Đông cũng như vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông nằm trên tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế.

Theo ông Seifert, các quốc gia láng giếng cũng cần hết sức cảnh giác với ý đồ về đường 9 đoạn và chiến thuật xây dựng, củng cố các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đang tuyên truyền rằng Trung Quốc không phải là nước gây hấn trên Biển Đông mà chỉ là đang tiến hành các biện pháp để đối phó với chiến lược của các nước khác.

Bài phát biểu của giáo sư, tiến sỹ Howard Loewen ngoài đánh giá về những kinh nghiệm rút ra từ vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế về Luật Biển đã phân tích về vai trò của cơ chế an ninh khu vực đối với việc bảo đảm hoà bình ở Biển Đông.

Tác giả nhận định kết cấu an ninh khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng hiện thiếu ổn định mặc dù có hợp tác ở cả hai cấp độ song phương và đa phương.

Từ đó, ông Howard Loewen cho rằng, để bảo đảm ổn định tình hình Biển Đông cần có một sự cân bằng quyền lực ở khu vực, trong đó các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Australia phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối các yêu sách của Trung Quốc và tăng cường những ảnh hưởng cần có ở khu vực này. Tuy nhiên, một sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á chỉ có giá trị khi nó gắn với một cấu trúc an ninh khu vực được định hình rõ ràng hơn.

Trong phần hỏi đáp, trả lời câu hỏi của nhiều thành viên dự hội là các học giả đánh giá thế nào về triển vọng giải pháp cho vấn đề Biển Đông, tiến sỹ Andreas Seifert và giáo sư Loewen có chung nhận định, tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong giải quyết tranh chấp ở khu vực này; trong khi Tiến sỹ Gerhard Will nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, không được phá vỡ nguyên trạng các đảo ở Biển Đông và không nên chủ trương chạy đua vũ trang mà thay vào đó là chuyển những khoản chi này cho đầu tư hợp tác và phát triển kinh tế.

Cuộc Hội thảo khoa học về Biển Đông tại Berlin, Đức đã thành công tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu thông tin của dư luận Đức.

Báo Die Tageszeitung, đơn vị bảo trợ tổ chức hội thảo, là một trong những tờ báo lớn tại Đức và là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận, hội thảo về các vấn đề thời sự quốc tế.

Theo VIETNAM+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=500
Quay lên trên