Từ thực tế, số ca tử vong do bệnh dại được ghi nhận gần đây và báo cáo của các cơ quan, ban, ngành trong giai đoạn 5 năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống bệnh dại đang là một thách thức. Hàng năm, nước ta vẫn còn nhiều người chết vì bệnh dại là do sự chủ quan và những ngộ nhận của người dân về bệnh dại và vắc xin phòng dại.
Mặt khác, tình trạng nuôi, thả rông chó, mèo không rọ mõm vẫn còn tồn tại phổ biến tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý và tổ chức tiêm phòng dại cho động vật. Theo ngành chức năng, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ... Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y, hoặc đi lấy nọc… sẽ dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.
Ngành chức năng cũng nhận định rằng, chính tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm. Vắc xin dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ tế bào và đã được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn cho người tiêm và không có gì phải lo lắng về các tác dụng phụ của vắc xin.
Có thể thấy, điều quan trọng giúp giảm gánh nặng bệnh dại chính là mỗi cá nhân cần xóa bỏ sự hiểu biết chưa đúng về bệnh dại và vắc xin ngừa dại, để từ đó chủ động bảo vệ bản thân trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Cuộc chiến phòng, chống bệnh dại sẽ thành công khi có sự chung tay của các cơ quan Nhà nước cùng ý thức của mỗi người dân.
PHƯƠNG ANH