EURO - lâm vào thế khó

Cập nhật: 13-06-2010 | 00:00:00

Các quan chức chóp bu của Chính phủ Hungary mới đây khẳng định Hungary sẽ tiếp tục cố gắng đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 3,8% GDP trong năm nay.Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Hungary chưa đến mức sắp trở thành Hy Lạp do tỷ lệ thâm hụt và nợ trên GDP chưa đến mức cao như của Hy Lạp. Năm 2009, nợ công của Hungary chiếm khoảng 80% GDP, trong khi đó, dự kiến con số này của Hy Lạp trong năm nay vào khoảng 133%. Hơn thế nữa, nền kinh tế Hungary cũng vừa thoát khỏi suy thoái.

 

Đồng euro “giãy chết”?

 

Mặc dù vậy, theo một cuộc khảo sát đối với 25 chuyên gia kinh tế hàng đầu Khu Tài chính London do tờ Telegraph (Anh) thực hiện và được công bố ngày 7-6, có đến 12 chuyên gia nhận định đồng euro có thể sẽ “giãy chết” và khó có thể tồn tại hết nhiệm kỳ của Nghị viện châu Âu trong 5 năm tới. Thậm chí có những ý kiến cho rằng đồng euro sẽ chấm dứt mô hình tồn tại hiện nay trong một vài tuần tới chứ chưa nói tới nhiệm kỳ nghị viện 5 năm. Chỉ có 8 chuyên gia cho rằng đồng euro có thể vẫn tồn tại và 5 chuyên gia lưỡng lự chưa đưa ra nhận định.

 

Cách đây chưa đầy 1 năm, rất ít chuyên gia trong Khu Tài chính London đưa ra dự đoán về sự kết thúc của đồng euro. Tuy nhiên, những khoản nợ kếch xù của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và sự thừa nhận của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng đồng euro đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng về sự tồn tại” đã làm thay đổi mạnh mẽ quan điểm của giới chuyên gia kinh tế. Chuyên gia Andrew Lilico, nhà kinh tế cấp cao thuộc Viện Policy Exchange của Anh cho rằng “cơ hội hiện nay gần như số 0 đối với sự tồn tại của đồng euro”. Chuyên gia Douglas McWilliams từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) (Anh) còn dự đoán đồng euro “thậm chí không sống nổi sau tuần tới”.

 

Trong khi đó, ông Tim Congdon thuộc Tập đoàn Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế (IMR) cho rằng “khu vực đồng euro sẽ phải mất khoảng 3 hoặc 4 thành viên như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và có thể sẽ đổ vỡ toàn khối bởi xích mích ngày càng gia tăng giữa Pháp và Đức”. Chuyên gia Peter Warburton thuộc Công ty Tư vấn Triển vọng Kinh tế lạc quan hơn khi phát biểu: “Đồng euro có thể sẽ vẫn tồn tại nhưng ở dưới một hình thức khác” và “nhiều khả năng Đức sẽ rút lui trong khi có thể một số nước Tây Âu và Trung Âu khác - cộng thêm Đan Mạch - sẽ tham gia khu vực đồng euro”.

 

Đồng euro có khả năng tồn tại trong cơn khốn khó?

 

Những quan ngại gần đây về số phận của đồng euro đã nổi lên sau quyết định cứu trợ khẩn cấp 750 tỷ EUR hồi tháng trước nhằm ngăn ngừa những đổ vỡ trong tương lai. Mặc dù quỹ cứu trợ khổng lồ đã giúp trấn an tâm trạng hoang mang của dư luận, nhưng các chuyên gia cho rằng nó không mang lại những thay đổi cơ cấu cần thiết trong nội bộ khu vực đồng euro, đơn giản là vì bất đồng giữa các nước trong khu vực - về vấn đề phát triển kinh tế, nợ và quan trọng hơn là khả năng phục hồi kinh tế - quá lớn.

 

Tình trạng vỡ nợ không chỉ gây nhức nhối cho khu vực đồng euro mà còn đe dọa hủy hoại các thị trường trái phiếu nói chung, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

 

Tuy nhiên cũng có một tín hiệu khá khích lệ khi Cơ quan thống kê châu Âu (Euroostat) cho hay trong quý 1-2010, tất cả các nước thuộc EU đã thoát ra khỏi suy thoái kinh tế (ngoại trừ Hy Lạp tiếp tục giảm 0,8%). Những nước tăng trưởng mạnh là Bồ Đào Nha (+1%), Slovakia (+0,8%) và Italia (+0,5%). Kinh tế Đức tuy chỉ tăng 0,2% nhưng lại là quý thứ 4 liên tiếp đạt mức tăng trưởng, trong khi đó Pháp chỉ tăng +0,1%. Một số chuyên gia cũng dự báo xu hướng đi lên này sẽ tiếp tục được duy trì trong quý 2-2010 nhờ tác động của các yếu tố kỹ thuật.

 

Bế tắc và giải pháp

 

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định kế hoạch cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR có vẻ như không giải quyết bất cứ điều gì và khu vực đồng euro hiện đang rơi vào bế tắc cả về kinh tế lẫn chính trị. Sự bế tắc về kinh tế được thể hiện rõ nét ở chỗ các chính sách sử dụng đồng tiền chung đã không thể áp dụng một cách ổn định và bền vững trong các nền kinh tế quá chênh lệch. Kế hoạch cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR không thể điều trị được tận gốc căn bệnh. Đồng euro trở nên quá đắt đối với các nước phía Nam (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp) và với cả Pháp, nơi sức cạnh tranh đang dần tụt hạng so với Đức. Hậu quả nhập khẩu gia tăng, xuất khẩu giảm sút, kéo theo thâm hụt ngoại thương lớn. Các nền kinh tế ngày càng nghèo đi, còn thâm hụt ngân sách và nợ tăng vọt.

 

Ngày 4-6, đồng euro tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua so với đồng USD sau khi một quan chức của đảng cầm quyền Hungary tuyên bố quốc gia này chỉ có cơ hội mong manh tránh được số phận của Hy Lạp. Dù Hungary không nằm trong khu vực đồng euro (euroozone) nhưng thị trường tài chính thế giới vẫn bị rúng động trước thông tin trên. Sau Hy Lạp giờ đến Hungary. Kinh tế châu Âu đang chao đảo thật sự!

 

Từ nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu luôn giải thích rằng đồng euro sẽ giúp tăng trưởng mạnh hơn và các nước xích lại gần nhau hơn về mặt kinh tế, nhưng giờ đây, khi bị chỉ trích, họ lại cho rằng cần phải thiết lập một chính phủ kinh tế. Nhưng bằng cách nào? Chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà một số nhà lãnh đạo châu Âu đề xuất đã được các nhà cầm quyền Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha ủng hộ và áp dụng. Nhưng nó lại phản tác dụng với sức mua giảm, nguồn thu thuế giảm, GDP chững lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Thật trớ trêu khi cuộc chiến chống thâm hụt ngân sách đã dẫn đến thâm hụt lớn hơn và nợ chồng chất.

 

Không chỉ bế tắc về kinh tế, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đang rơi vào bế tắc chính trị. Trước hết, kế hoạch hỗ trợ 750 tỷ EUR chưa hẳn đã thành công. Ngoại trừ lần đầu tiên phải đổ tiền vào để cứu trợ Hy Lạp, sau này khi phải đóng góp những khoản tiền lớn hơn nữa, sẽ không một quốc gia nào muốn tham gia. Các nước phía Bắc không muốn dốc hầu bao để cứu trợ các nước phía Nam. Việc Thủ tướng Đức, bà Merkel, bị chỉ trích và phe đa số của bà bị thất bại ở Quốc hội cho thấy các cử tri Đức đã nói rõ điều đó. Họ không muốn trả bất kỳ khoản thuế nào để cứu vãn một nền kinh tế phía Nam. Các nước miền Nam mặt khác, lại không muốn “thắt lưng buộc bụng” vì không những không giải quyết được khả năng cạnh tranh của họ mà còn làm trầm trọng thêm. Tình trạng bất ổn xã hội chắc hẳn sẽ dẫn đến bất ổn chính trị.

 

Đó là chưa kể, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm mọi cách bảo vệ đồng euro, rất nhiều các quốc gia khác đã mặc cho đồng tiền của họ giảm giá để giành các thị phần trên thế giới, đồng thời áp dụng chính sách bảo hộ ngụy trang để bảo vệ các doanh nghiệp nổi tiếng của mình và đầu tư mạnh vào giáo dục, tri thức, khoa học. Như vậy, thay vì xây dựng châu Âu, các nhà lãnh đạo khu vực đang có nguy cơ làm mất đi uy tín và vị thế của châu lục này trên trường quốc tế.

 

Nghị sĩ Pháp Nicolas Dupont-Aignan cho rằng đồng euro không phải là giải pháp để cải thiện tình trạng hiện nay. Giải pháp tốt nhất là trở lại với các loại tiền tệ quốc gia, kết hợp với đồng euro, được coi như loại tiền dự trữ để giúp các quốc gia trong khu vực nổi lên và bảo đảm sự phối hợp kinh tế một cách tự nguyện. Và cũng không nên nghĩ rằng sự biến mất của đồng euro trong hình thức hiện tại đồng nghĩa với sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU).

 

Thực tế cho thấy các quốc gia như Thụy Điển và Đan Mạch, Anh, mặc dù từ chối euro, nhưng vẫn là thành viên của EU. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình hợp tác công nghiệp trong vùng, mở rộng quan hệ đối tác nghiên cứu khoa học, kêu gọi hàng chục ngàn nhà nghiên cứu khoa học châu Âu từ Mỹ trở về, khôi phục giá trị lao động và niềm tin cho thế hệ trẻ, thực hiện tốt chính sách gia đình để đổi mới dân số... Đó mới chính là những biện pháp thật sự mà châu Âu cần phải thực hiện để vượt qua khủng hoảng kinh tế-chính trị hiện nay.

 

Lục địa già mệt mỏi

 

Các nhà đầu tư lo ngại rằng những kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” hay “siết chặt tài chính” cuối cùng sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế và làm phức tạp thêm tình trạng thâm hụt. Derek Halpenny, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi của Nhật nhận định: “Điều khiến các thị trường lo ngại hơn cả là các nhà lãnh đạo châu Âu đã không cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ lòng tin”. Trong khi đó, Chủ tịch Cơ quan quản lý thị trường Pháp, Jean Pierre Jouyet mới đây nhấn mạnh rằng việc đồng euro mất giá sẽ khiến cho đà suy giảm tăng lên một cách đáng lo ngại. Những biến động khiến thị trường tiền tệ châu Âu bị rung chuyển đã phản ánh tâm lý hoảng sợ bao trùm lên thị trường kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp.

 

Trong khi đó, mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) của Tạp chí Economist cho rằng cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro đã tác động đến thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, những tác động xấu nhất như hạ mức tín dụng quốc gia, nguy cơ khủng hoảng lan rộng và các chương trình thắt lưng buộc bụng nhìn chung đã được hạn chế, chỉ xảy ra đối với các nước châu Âu. EIU cho rằng với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của EU và IMF, các vấn đề rắc rối chủ yếu sẽ chỉ xảy ra ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha. Tác động đối với thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, nguy cơ khủng hoảng phát triển lên đến mức không thể kiểm soát vẫn còn, nếu lòng tin của thị trường tiếp tục giảm. Tình hình của châu Âu tiếp tục xấu đi sẽ tác động mạnh đến các khu vực còn lại của thế giới.

 

Giới phân tích cũng đang quan ngại về cuộc suy thoái kép một cách toàn diện ở châu Âu, với những căng thẳng tài chính mới. Điều này có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả các khu vực khác, làm suy yếu đà phục hồi kinh tế. Ở hầu hết các nước, kể cả phát triển và đang phát triển, khả năng kích thích tài chính là không còn, do đó các nhà hoạch định chính sách cũng không còn khả năng giải quyết một đợt suy thoái mạnh mới. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu đã làm tăng nguy cơ đối với các nước có mức thâm hụt ngân sách cao, kể cả Mỹ và Nhật, phải đột ngột thắt chặt chính sách tài chính.

 

10 năm trước, người ta thấy một euro mạnh mẽ như một chàng trai trẻ có khả năng vượt qua người già nua là đồng đô la Mỹ. Giờ đây, chàng trai trẻ có vẻ đang đuối sức. Nhưng dù sao các nước trong khu vực đồng euro nói riêng và trong EU nói chung đang nỗ lực hết mình để cứu phương tiện thanh toán chung của mình và họ cũng đang chờ đợi một phép màu để trả lời câu hỏi: đồng euro tiếp tục tồn tại hay không tồn tại?

 

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên