Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ghi tạc công sức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các thế hệ làm công tác Mặt trận nguyện tiếp tục ra sức rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng "Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.
Quang cảnh buổi lễ gặp mặt. (Ảnh:TA)
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018).
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, các đơn vị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, các ban, bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội...
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp lớn lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, MTTQ Việt Nam và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân nghèo tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với ý chí quật cường, tình yêu quê hương, đất nước, ngay khi là công nhân đã sớm thức tỉnh tinh thần yêu nước của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1912, khi mới 24 tuổi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng rất vinh quang của người.
Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm qua các chức vụ: Tổng Thanh tra Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 27 năm liên tục, Bác làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 2, 3, 4 cho đến khi qua đời (ngày 30/3/1980).
Các đại biểu khẳng định: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc; người là bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, một nhân cách lớn, cao thượng và trong sáng, là tấm gương để chúng ta và các thế hệ mai sau mãi mãi tôn vinh và học tập.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở hoàn cảnh nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ rất mực trung thành, tận tụy đối với Đảng, nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong thế kỷ 20.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Ghi tạc công sức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng tự hào về truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, 88 năm qua đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành và phát triển; các thế hệ làm công tác Mặt trận nguyện tiếp tục ra sức rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng "Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho. Nhận thức sâu sắc hơn về công tác Mặt trận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và đạo đức cách mạng, xác định trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, góp phần tăng cường, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác; thường xuyên chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội và đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ… ; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nắm bắt tình hình nhân dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về những vấn đề nhân dân quan tâm; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; tham gia tích cực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…/.
Theo Vietnam+