Trên cánh đồng ở xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên) ngày nay, người nông dân đã đưa cơ giới vào nông nghiệp (NN) và ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) mới phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm tăng năng suất cây trồng, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất NN
Vài năm gần đây, người dân xã Bạch Đằng khi nhắc về ông Hồ Tấn Lợi là thường gắn liền chuyện máy gặt đập liên hợp. Thông qua các lớp tập huấn KHKT về sản xuất NN, năm 2010 ông mạnh dạn vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn Nhà nước cộng với vốn tự có đầu tư mua sắm máy móc gần 400 triệu đồng, vừa sản xuất vừa làm dịch vụ quanh vùng.
Vào thời điểm này, tuy không phải vụ mùa thu hoạch nhưng vườn bưởi của ông Dương Văn Minh cũng có thể cung cấp ra thị trường những quả bưởi chất lượng
Anh Lợi cho biết: “Sản xuất lúa bằng thủ công truyền thống rất vất vả, cần nhiều nhân công, nông sản hao hụt, rơi vãi trong quá trình thu hoạch và vận chuyển. Việc sản xuất khép kín từ khâu làm đất, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch và sấy khô lúa sẽ giảm sức lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch hơn 3 - 4 lần, năng suất cao hơn và nông sản bán được giá cao”. Mô hình sản xuất này của anh Lợi còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục lao động địa phương, làm dịch vụ giúp đỡ các hộ khó khăn. Bình quân 1 ha lúa trừ chi phí ông còn lãi ròng hơn 10 triệu đồng, mỗi năm sản xuất 3 vụ, đem thu nhập về cho gia đình ông trung bình 150 triệu đồng/năm. Song song với việc cơ giới sản xuất, người nông dân dám nghĩ, dám làm này chịu khó học hỏi và trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng KHKT tiến bộ, cùng nhau phát triển.
Việc đưa máy móc vào đồng ruộng đã cho thấy được hiệu quả cao hơn phương pháp thủ công truyền thống, từ đó, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của bà con nông dân.
Ứng dụng KHKT để giữ vững thương hiệu
Hơn 10 năm kinh nghiệm thực tiễn trồng bưởi ở đất Cù lao Bạch Đằng, ông Dương Văn Minh ở ấp Điều Hòa luôn quan niệm làm NN phải đi đôi với kiến thức và ứng dụng KHKT, bởi đây là điều tiên quyết cho thành công trên cây trồng. Chính quan niệm này đã làm phương hướng để ông gắn bó với nghề trồng bưởi lâu dài. Vườn bưởi chuyên canh đường lá cam hơn 2.000m2 của ông là giống bưởi được chọn từ các cây bưởi ngon, sạch bệnh. Mật độ và hàng cây được thiết kế thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch và phân chuồng được xử lý ủ hoai có men vi sinh nhằm làm tăng độ màu mỡ cho đất. Trong quá trình chăm sóc cây, ông phát minh, sáng kiến việc ứng dụng KHKT vào quy trình sản xuất để đạt hiệu quả. Những khâu cơ giới hóa, tự động hóa được thì cơ giới hóa triệt để như làm cỏ, phun thuốc, kỹ thuật xử lý vườn bưởi cho sản phẩm đúng thời điểm thị trường đang khan hiếm, áp dụng hệ thống phun tưới trên ngọn, tận dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm tạo sản phẩm chất lượng an toàn đến người tiêu dùng.
Mục đích của ông Minh còn giữ vững thương hiệu bằng chất lượng. Ông tham gia trực tiếp thực hiện trong tổ hợp tác sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Việt Gap nhằm xây dựng mô hình nòng cốt để phát triển vùng bưởi an toàn và bền vững. Mặt khác, ông còn thường xuyên phổ biến kinh nghiệm trồng bưởi và hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT cho bà con địa phương, đồng thời xây dựng 3 vườn bưởi mẫu đạt hiệu quả kinh tế cao với quy mô vườn của các hộ gia đình từ 2.000 - 5.000m2, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh bưởi. Điều này chứng minh sự đúng đắn chủ trương chính sách phát triển vùng bưởi Bạch Đằng, có thể giúp xã nhà thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên xây dựng một xã nông thôn mới phát triển.
KIM VÂN