Gas tăng giá đột biến: Doanh nghiệp điêu đứng, người tiêu dùng khó khăn!

Cập nhật: 05-12-2013 | 00:00:00

Bắt đầu từ 1-12, giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm từ 70.000 - 80.000 đồng/bình tùy theo hãng. Theo đó, giá gas bán lẻ ở mức 485.000 - 490.000 đồng/bình 12kg. Mức giá tăng đột biến này không chỉ tác động mạnh đến sinh hoạt của người dân mà làm cho nhiều doanh nghiệp phải “đau đầu”!

“Mỏng ví” người tiêu dùng

Theo lý giải của Hiệp hội gas Việt Nam, do giá gas trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức trên 1.162,5 USD/tấn, tăng khoảng 267,5 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11, nên các đơn vị cung cấp gas trong nước phải điều chỉnh giá gas bán lẻ để theo kịp giá gas thế giới. Nguyên nhân sâu xa là do bắt đầu vào mùa đông nên một số nước Bắc bán cầu có nhu cầu sử dụng gas tăng đột biến, khiến cho giá gas tăng.

Gas tăng trong thời điểm này khiến cho người tiêu dùng khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng

Tuy nhiên, theo khảo sát thì thực tế không hẳn đã vậy. Ở thời điểm tháng 3-2012, giá gas thời điểm đó đã tăng kỷ lục với mức tăng 52.000 đồng/bình 12kg khi mức giá thế giới có giá 1.205 USD/tấn. Như vậy, điều khó hiểu ở chỗ tháng 12-2013, giá gas thế giới vẫn thấp hơn 42,5 USD/tấn nhưng tại sao giá gas trong nước lại tăng cao hơn mức tăng tháng 3-2012 đến vài chục ngàn đồng/bình 12kg?

Trong khi lãnh đạo Bộ Công thương và một số ngành chức năng đang vào cuộc điều tra việc tăng giá bất thường thì giá gas tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân. Gần như ngay lập tức, một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thức uống… đã rục rịch tăng giá. Ngoài ra, theo khảo sát của chúng tôi tại thị trường Bình Dương, một số đơn vị kinh doanh ăn uống, thực phẩm chế biến sẵn, gạch tuynel, gốm sứ… cũng đã có dấu hiệu tăng từ từ theo giá gas để bù đắp chi phí phát sinh.

Anh Nguyễn Văn Tài, chủ quán Bia Đen TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Tôi phải điều chỉnh gấp giá một số món ăn trong thực đơn của quán. Bởi chúng tôi sử dụng một lượng gas rất lớn để chế biến nên mỗi tháng phải tốn thêm khoảng 4 triệu đồng tiền gas”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mười, giáo viên một trường tiểu học tại TP.Thủ Dầu Một lại chọn cách tiết kiệm để giảm chi phí sử dụng chất đốt. Chị nói: “Tôi phải chuyển sang xài một số thiết bị điện gia dụng như bếp từ, nồi lẩu điện, nồi áp suất điện… để giảm chi phí sử dụng gas. Nếu cứ xài như cũ thì chi phí sinh hoạt tăng cao lắm!”.

“Đau đầu” doanh nghiệp

Sáng ngày 3-12, tiếp xúc với chúng tôi tại công ty, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long chuyên sản xuất gốm sứ không khỏi buồn rầu. Ông cho biết, công ty hiện tiêu hao tổng mức năng lượng ở khoảng 200 tấn gas quy đổi. Tuy nhiên, từ đợt tăng giá gas quá cao tháng 3-2012, Phước Dũ Long đã chuyển một số lò sang đốt bằng củi. Hiện công ty còn khoảng 8 lò đốt gas, trong đó 1 lò gas lớn dung tích 120m3 và 7 lò gas nhỏ dung tích 14m3. Như vậy, hiện nay mỗi tháng công ty sử dụng 40 - 50 tấn gas. Với đợt tăng giá kỷ lục này, công ty mất thêm khoảng 200 triệu đồng/tháng. Ông Vương Siêu Tín tâm sự: “Điều đáng buồn là chúng tôi đã ký hợp đồng với khách hàng đến tận tháng 4-2014. Như vậy, nếu cứ đà này công ty sẽ thất thoát tiền tỷ. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, chúng tôi thật sự điêu đứng”.

Khó khăn của Phước Dũ Long cũng là khó khăn chung của các công ty gốm sứ ở Bình Dương. Theo đánh giá của ông Lê Văn Công, chuyên gia thiết kế, cung cấp lò gas cho các doanh nghiệp gốm sứ, gạch tuynel tại Bình Dương và các tỉnh lân cận thì thiệt hại do đợt tăng giá gas đối với doanh nghiệp lần này là cực kỳ nghiêm trọng. Ông Công cho biết: “Nếu chỉ tính riêng đợt tăng giá lần này, mỗi tấn gas đốt lên là doanh nghiệp thua lỗ 6,5 - 7 triệu đồng, còn tính rộng ra từ đầu năm là con số lên đến 8 - 9 triệu đồng/tấn gas. Như vậy, chi phí sản xuất sẽ đội lên dẫn đến việc doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm nếu không muốn chấp nhận thua lỗ triền miên”. Chính điều này, theo ông Công, sẽ khiến cho doanh nghiệp gốm sứ, chế biến thực phẩm… suy yếu năng lực cạnh tranh và đánh mất lợi thế trên thương trường.

Sâu xa hơn, theo quan ngại của nhiều chuyên gia, việc tăng giá gas nghịch lý lần này khiến cho nhiều doanh nghiệp giảm sử dụng loại chất đốt đặc thù, thu hẹp quy mô sản xuất. Hệ lụy tất yếu là các công nhân sẽ giảm thu nhập, thậm chí là thất nghiệp, dẫn đến đời sống khó khăn.

Nguyên nhân tăng giá gas đột biến đã được các doanh nghiệp kinh doanh gas đưa ra. Lời hứa điều tra của Bộ Công thương cũng đã được công bố trước công luận. Nhưng sự thật là chiếc ví của người dân đã “mỏng”, nay càng “mỏng” đi, còn các doanh nghiệp đang sử dụng lượng gas lớn để sản xuất, kinh doanh thì đang “đau đầu” với bài toán cân đối chi phí, duy trì sản xuất để bảo đảm lợi nhuận, bảo đảm đời sống người lao động của mình.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, hiện các thành viên trong hiệp hội sử dụng khoảng 600 - 700 tấn gas/tháng vào mùa cao điểm và 300 - 400 tấn gas/tháng vào mùa thấp điểm. Điều nghiệt ngã đối với các công ty gốm sứ là đợt tăng giá gas kỷ lục lần này lại đúng vào mùa cao điểm, tức là thời điểm họ sử dụng nhiều gas nhất trong năm để kịp đơn hàng giao cho đối tác. Tổn thất đối với một số công ty nhỏ là không đáng kể nhưng đối với các công ty gốm sứ lớn, sử dụng hàng trăm tấn gas/tháng như Minh Long, Minh Phát, Cường Phát, Đại Hồng Phát… thì mức thiệt hại là cực kỳ lớn.

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=365
Quay lên trên