Giá cước vận tải vẫn “ngược” với giá xăng dầu

Cập nhật: 22-01-2016 | 08:31:55

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới liên tục lao dốc ngoài khả năng dự báo, tính toán của các chuyên gia kinh tế và đã xuống đến mức dưới 30 USD/thùng. Còn tại thị trường trong nước, kể từ 15 giờ ngày 19-1 giá xăng Ron 92 đã được điều chỉnh giảm 590 đồng/lít, xăng E5 giảm 580 đồng/lít, mặt hàng dầu diezel 0,05S giảm 912 đồng/lít, dầu hỏa giảm 886 đồng/lít, dầu mazút 3,5S giảm 301 đồng/kg. Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức giá trần của xăng Ron 92 còn 15.442 đồng/lít, trong khi xăng E5 không vượt quá 14.759 đồng/lít. Trong lúc giá xăng dầu giảm sâu và kéo dài thì giá cước vận tải lại giảm chưa tương xứng.

Xe khách tập kết tại Bến xe khách tỉnh Bình Dương Ảnh: DUY CHÍ

Các doanh nghiệp vận tải đồng loạt kê khai lại giá

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, sở hiện đang quản lý 20 doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng (đăng ký kinh doanh tại Bình Dương) bao gồm 7 DN vận tải tuyến cố định, 7 DN kinh doanh taxi, 6 DN kinh doanh xe buýt. Đến thời điểm này, đã có 19/20 đơn vị nộp báo cáo kê khai lại giá cước; còn lại 1 đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được hưởng trợ giá nên không phải kê khai. Hầu hết các đơn vị đều điều chỉnh giảm giá từ 3 - 6% so với trước, một vài đơn vị có kê khai nhưng giữ nguyên giá thành.

Để bảo đảm ổn định thị trường và quyền lợi người tiêu dùng theo Thông tư liên tịch số 152 liên Bộ GTVT - Tài chính về việc kê khai lại giá cước vận tải so với giá xăng dầu và chỉ đạo của UBND tỉnh, Đoàn thanh tra liên ngành do hai đơn vị chủ lực là Sở GTVT và Sở Tài chính phụ trách đang tiến hành kiểm tra các điều kiện cấu thành giá theo bảng kê khai của DN. Qua thanh tra, nếu phát hiện DN kê khai không rõ ràng, điều kiện cấu thành giá không hợp lý đoàn thanh tra sẽ có ý kiến yêu cầu kê khai lại hoặc xử phạt theo quy định. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc đến hết ngày 29-1.

Về mức giảm giá cước, ghi nhận ở một số đơn vị kinh doanh vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh cho thấy, HTX Vận tải hành khách tỉnh Bình Dương bắt đầu giảm giá từ ngày 1-1-2016 với mức giảm trung bình 5%, cụ thể: Tuyến Bình Dương - Kiên Giang giá vé giảm từ 122.000 đồng/ vé xuống còn 116.000 đồng/vé; Bình Dương - Bến Tre giá vé giảm từ 84.000 đồng/vé xuống còn 80.000 đồng/vé. Hợp tác xã Vận tải Thủ Dầu Một bắt đầu giảm giá từ ngày 12-1-2016 với mức giảm đồng bộ 3%. Công ty TNHH Vận tải hành khách Thanh Loan đăng ký giảm từ 2 - 6,5% bắt đầu từ ngày 12-1-2016, như: Tuyến Bình Dương - Tây Ninh giảm 6,5%, tuyến Bình Dương - Mỹ Tú (Sóc Trăng) giảm 2%, tuyến Bình Dương - Vị Thanh (Hậu Giang) giảm 2,8%... Hợp tác xã Vận tải hành khách TX.Bến Cát bắt đầu giảm giá từ ngày 20-1-2016 với mức giảm từ 4,5 - 6%…

Giải thích về việc giảm giá không đồng đều giữa các DN, các tuyến đường, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Bến xe khách tỉnh cho biết, do chi phí, điều kiện vận chuyển, cự ly mỗi nơi mỗi khác nên việc giảm giá của DN cũng phải căn cứ vào điều kiện kinh doanh, giá xăng dầu và chi phí phát sinh.

Giảm chưa tương xứng

Trước câu hỏi của phóng viên về việc vì sao giá xăng dầu liên tục giảm mà giá cước vận tải giảm chậm và giảm không tương xứng, giám đốc một DN vận tải hành khách lý giải, việc giảm giá cước theo điều chỉnh giá nhiên liệu cũng gặp nhiều khó khăn như: Thông tư liên tịch số152/2014 của liên BộGTVT - Tài chính quy định việc điều chỉnh giá nhiên liệu theo định kỳ 15 ngày và giá cước phải điều chỉnh theo thì phải làm hồ sơ kê khai lại trình Sở GTVT, Sở Tài chính, UBND huyện, thị, thành phố trong tỉnh trong thời gian 5 ngày mới thực hiện. Đồng thời, DN phải in lại vé, đóng giá cước mới, tiến hành thông báo và niêm yết các thông tin trên xe, bến xe, vìvậy tốn rất nhiều thời gian, chi phí của DN. Nếu kinh doanh taxi thì còn phải kiểm lại đồng hồ kilômét rất gian nan.

Ông Nguyễn Anh Tài, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Bến Cát (TX.Bến Cát) thì đưa ra bảng chiết tính với đầy đủ căn cứ để cấu thành lại giá cước mới. Cụ thể, sau nhiều lần giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm, hợp tác xã đã chấp hành đúng theo quy định về giá. Trong năm 2015, hợp tác xã không tăng giá cước, nhưng có hai lần giảm giá cước bình quân là 9% (từ 4% đến 14%). Tại thời điểm giảm giá cước gần đây, giá dầu là13.420 đồng/lít và giá dầu hiện nay là11.110 đồng/lít, giảm 2.310 đồng/ lít, tương đương 17%. Trong khi đó, các khoản chi phí khác như lương nhân viên lái xe, phụ xe được Chính phủ điều chỉnh tăng lên từ 3,1 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 13% từngày 1-1-2016 (theo Nghị định số122/2015/ NĐ-CP ngày 14-11-2015 của Chính phủ); phí qua trạm cầu đường tăng, thêm phần chi phí sử dụng truyền dẫn dữ liệu thiết bị giám sát hành trình 1.448.000 đồng/xe/năm. Từ các căn cứ trên, hợp tác xã quyết định giảm giá cước bình quân là 5,3%, tương đương từ 5.000 - 9.000 đồng/vé, áp dụng từ ngày 20-1-2016.

Lý giải về sự thiếu cân xứng giữa biên độ giảm của giá xăng dầu với giá cước vận tải, ông Tài nói, giảm giá cước để khuyến khích và phục vụ hành khách đi xe ngày một tốt hơn. Những tuyến xe giá vé giảm ít thì hợp tác xã bù đắp bằng cách tăng mức dịch vụ phục vụ hành khách như tặng nước khoáng, khăn lạnh, máy lạnh cho hành khách…

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=787
Quay lên trên