Khi internet, đặc biệt là mạng xã hội phát triển mạnh, thực trạng buôn bán giấy tờ, bằng cấp giả xuất hiện tràn lan, gần như công khai trên các trang mạng…
Công khai buôn bán giấy tờ giả
Không khó để tìm kiếm được một trang web chuyên buôn bán bằng cấp, giấy tờ và các loại văn bản giả mạo. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “giấy tờ giả” thì hàng chục trang fanpage chuyên kinh doanh, giao dịch loại hình này xuất hiện.
Một trang web chuyên nhận làm bằng đại học và giấy tờ các loại, không qua trung gian với nội dung quảng cáo hết sức ấn tượng như sau: “Hình thức giống bản gốc đến 100%: Với nhiều năm kinh nghiệm làm bằng đại học và giấy tờ trên thị trường, luôn cập nhật những mẫu văn bằng sản xuất mới nhất, chúng tôi có khả năng mang đến bạn những tấm bằng đại học sao y nguyên bản gốc, giống đến từng nét chữ, từ nguyên liệu đến màu sắc. Đặc biệt, với “bí quyết” riêng chúng tôi còn có tem 7 màu 6 cánh chống hàng giả giúp bạn yên tâm về chất lượng của bằng đại học. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã nhận xét sản phẩm của chúng tôi nhìn “khôn như thật”. Dịch vụ nhận làm bằng đại học và giấy tờ các loại, không qua trung gian, giá gốc, uy tín!”.
Trang này quảng cáo nhận làm tất cả các loại bằng cấp từ bằng đại học, cao đẳng cho đến các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Các loại bằng cấp, giấy tờ khác như: Bằng lái xe, CMND, giấy kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, KT3, sổ tiết kiệm, cà vẹt xe, biên lai học phí, biên nhận... đều được làm như thật và có giá tốt nhất. Thậm chí, thẻ nhà báo và một số loại thẻ ngành cũng được làm giả như thật. Đối tượng còn ghi chi tiết giá cả từng loại giấy tờ như: Sổ hộ khẩu (2 triệu), CMND (1 triệu), visa, hộ chiếu (3 đến 5 triệu), hồ sơ việc làm (500.000 đồng)... Để tiện liên lạc, các trang mạng còn để sẵn cả địa chỉ mail, đường link facebook và cả số điện thoại di động để khách hàng kết bạn qua Zalo, Facebook nhằm thuận tiện giao dịch.
Tang vật liên quan đến một đường dây làm giấy tờ giả ở TX.Thuận An bị cơ quan chức năng đang thu giữ. Ảnh: M.DUY
Một tài khoản facebook có tên Nguyễn Văn H. còn công khai đăng hình ảnh các loại giấy tờ giả do cơ sở mình bán và những đoạn chat, phản hồi, giao dịch của đối tượng với khách hàng lên facebook để tạo niềm tin. Các trang facebook này ngoài quảng cáo làm giả bằng cấp, giấy tờ còn nhận đóng dấu, làm dấu giả các thể loại. Ngoài việc quảng cáo trên mạng, một số trang còn chủ động gửi tin nhắn đến các thuê bao điện thoại nhằm giới thiệu các dịch vụ làm bằng giả uy tín, chất lượng.
Triệt phá nhiều vụ làm giấy tờ, con dấu giả
Tại Bình Dương, thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây làm giấy tờ giả với số lượng lớn. Cụ thể như ngày 2-9 vừa qua, Công an phường Bình Chuẩn phối hợp với Đội CSĐT Công an TX.Tân Uyên khám xét phòng trọ của đối tượng Đinh Văn Huân (SN 1988, quê Hòa Bình, tạm trú KP.Bình Quới A, phường Bình Chuẩn). Qua khám xét thu được tang vật gồm 121 con dấu giả các loại. Đáng chú ý là tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều con dấu giả của các tổ chức giáo dục, các trường đại học như: Đại học Thương mại, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế luật, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh…
Trước đó, ngày 15-6-2017, Công an phường Bình Chuẩn phối hợp Phòng PC45 Công an tỉnh kiểm tra hành chính một doanh nghiệp cung cấp thức ăn công nghiệp tại KP.Bình Quới B. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở trên làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Tang vật thu giữ gồm 1.454 đồ vật, tài liệu, dụng cụ làm giả con dấu các loại…
Bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, cho biết tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng ngày càng đa dạng, tinh vi và rất khó phát hiện. Trình độ làm giả giấy tờ của các đối tượng này ngày càng cao. Nhiều giấy tờ, tài liệu làm giả tinh vi từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy đều giống thật đến hơn 90%. Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt thật - giả. Để nhận biết được giấy tờ thật giả cần phải có chuyên gia trong lĩnh vực và phải dùng đến máy móc hỗ trợ mới giám định được. “Điều này đã đẩy các công chứng viên vào tình thế luôn phải đối mặt với rủi ro, vì cho dù có kinh nghiệm và được trang bị những kỹ năng nhận biết nhất định thì công chứng viên cũng không đủ trình độ, phương tiện giám định như một giám định viên, do đó giấy tờ giả vẫn có thể qua mặt được các công chứng viên”, bà Nguyễn Thị Phương Ngọc cho biết.
“Trong thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện một vụ việc làm giả hợp đồng ủy quyền rất tinh vi. Người chồng đã làm giả hợp đồng ủy quyền với nội dung vợ ủy quyền cho chồng toàn quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng ủy quyền được làm giả tinh vi ở chỗ: Có chữ ký của người vợ, người chồng và chữ ký của công chứng viên chứng nhận hợp đồng, dấu của văn phòng công chứng. Nếu nhìn bình thường thì không thể phân biệt được thật giả. Công chứng viên đã xác minh bằng cách gọi điện đến văn phòng đã công chứng văn bản ủy quyền này thì mới biết không hề có hợp đồng ủy quyền này”, bà Ngọc nói. Cũng theo bà Ngọc, qua công chứng, các công chứng viên đã phát hiện một vụ việc khách hàng đem bằng tốt nghiệp đại học đến sao y. Bằng tốt nghiệp đại học này nhìn bằng mắt thường rất giống bản chính từ hình dáng, màu sắc, con dấu của trường đã cấp… Qua xác minh, kiểm tra trên hệ thống của trường đã cấp bằng thì có tên của người được cấp bằng trong năm đó nhưng năm sinh, địa chỉ người được cấp bằng không giống trên bằng, số hiệu bằng cũng khác.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp thường gặp tại phòng công chứng, qua đó mới thấy việc giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng rất đa dạng, phức tạp và khó phát hiện.
* BÀ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NGỌC, CHỦ TỊCH HỘI CÔNG CHỨNG VIÊN TỈNH: Nhiều kỹ xảo qua mặt công chứng viên
Các công chứng viên trong quá trình hành nghề của mình dù ít, hay nhiều đều được thử sức trong việc phân biệt giấy tờ thật, giả.
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu các đối tượng này hay sử dụng là: Sửa chữa, tẩy xóa trái pháp luật giấy tờ, tài liệu hoặc sử dụng giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch. Các đối tượng sử dụng máy móc hiện đại, công nghệ in ấn tiên tiến cũng như các thủ thuật vi tính đã giúp tạo ra phôi, chữ ký rất giống với giấy tờ thật hoặc sử dụng các phôi giấy tờ thật để làm giả hàng loạt các giấy tờ chứng nhận giả như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận đăng ký xe, bằng cấp... nên việc phân biệt thật giả đối với các công chứng viên quả thật là rất khó, bởi việc nhận dạng thật giả trong nhiều trường hợp không chỉ dựa vào kinh nghiệm, kiến thức, linh cảm nghề nghiệp mà còn cần dựa vào các máy móc, công nghệ giám định mà không phải tổ chức hành nghề công chứng nào cũng sẵn có.
Bên cạnh việc làm giả giấy tờ, tài liệu thì việc giả mạo người hay còn gọi là sử dụng người “đóng thế” cũng diễn ra thường xuyên. Việc giả mạo người hay gặp là trường hợp giả mạo một bên vợ hoặc chồng trong giao dịch khi một hoặc hai bên muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý nên người còn lại nhờ người khác đóng thế; hoặc trường hợp giả mạo anh chị em trong nhà để ký hợp đồng trong trường hợp đất cấp cho hộ gia đình hoặc phân chia di sản thừa kế hoặc trường hợp mạo danh anh chị em sinh đôi để ký giấy tờ trục lợi cho bản thân. Đối với việc giả mạo chủ thể, nhiều trường hợp khi thấy công chứng viên hỏi han kỹ lưỡng hay tỏ ra nghi ngờ thì các đối tượng đã tìm cách bỏ chạy, các tổ chức hành nghề công chứng không thể bắt giữ lại được nên không thể xử lý đối tượng này. So với việc làm giả giấy tờ thì việc giả mạo diễn ra ít hơn vì hiện nay đa số các công chứng viên đều yêu cầu người yêu cầu công chứng lăn tay để kiểm tra, đối chiếu dấu vân tay và kiểm tra kỹ chứng minh nhân dân của người yêu cầu công chứng.
TÂM TRANG