Thời gian qua, giá hầu hết các sản phẩm sữa trên thị trường đều tăng lên cùng với nỗi bức xúc của rất nhiều người tiêu dùng. Với Quyết định 1079 do Bộ Tài chính ban hành mới đây, liệu giá mặt hàng này có giảm?
Giá sữa tăng luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người tiêu dung
Người tiêu dùng chờ đợi
Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính, từ ngày 1-6 tới, 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ chính thức được áp giá trần. Bộ Tài chính khẳng định, việc áp trần giá sữa sẽ được giám sát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm. Như vậy, đối với người tiêu dùng, việc áp giá trần sẽ đem lại quyền lợi chính đáng, giá các sản phẩm sữa không còn biến động với chiều hướng tăng vô lý.
Việc quản lý giá trần được thực hiện trong 12 tháng. Cùng đó, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đăng ký giá theo quy định trong thời hạn 6 tháng tới. Hiện phần lớn các sản phẩm sữa dành cho trẻ em đều được đưa vào danh sách áp giá trần, trong đó mức giá bán buôn tối đa của 25 sản phẩm sữa sẽ bị khống chế giá trần. Với Quyết định 1079, Bộ Tài chính khẳng định giá sẽ thấp hơn 10 - 15%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn 20% so với giá bán buôn hiện hành. Như vậy, chắc chắn giá bán buôn 25 sản phẩm sữa sẽ giảm mạnh, đồng thời sẽ kéo theo giá các sản phẩm sữa khác cũng giảm theo và đương nhiên khi giá bán buôn giảm thì giá bán lẻ cũng phải giảm theo.
Theo quyết định này, không chỉ các DN sản xuất, phân phối đăng ký giá bán mà kể cả các cửa hàng, đại lý bán lẻ cũng phải đăng ký. Bộ Tài chính sẽ công khai mức giá bán buôn của DN đăng ký để người tiêu dùng theo dõi, giám sát. Trường hợp cơ quan quản lý thị trường phát hiện DN nào có giá bán buôn và bán lẻ cao hơn quy định thì sẽ xử phạt theo quy định.
Hiện các DN ngành sữa đã phản bác và cho rằng, việc áp trần là triệt tiêu cạnh tranh. Bộ Tài chính cho biết, việc áp trần đã được tính toán rất kỹ và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bất cứ ai. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng có rất nhiều phương pháp để định giá, có phương pháp so sánh mặt hàng với mặt hàng, có phương pháp định giá theo chi phí. Như vậy, cả 2 phương pháp này đều bảo đảm nguyên tắc và trên cơ sở thước đo của thị trường đều bảo đảm chi phí của DN và người tiêu dùng chấp nhận được. Bởi vậy, không có vấn đề gì liên quan đến thiệt hại lợi ích DN mà cái lợi lớn nhất là thị trường sữa bình ổn.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-6, nhưng giá bán buôn thực hiện chậm nhất là 10-6, còn giá bán lẻ chậm nhất là ngày 20- 6. Giải thích về quy định mới này, một số chuyên gia trong ngành quản lý giá, cho biết mặt hàng sữa là mua đứt bán đoạn, nếu cơ quản lý yêu cầu thực hiện ngay sẽ gây khó khăn cho các cửa hàng, đại lý.
Nhà sản xuất, phân phối chưa vội!
Theo Bộ Tài chính, khi áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có thể sẽ giúp giá sữa giảm từ 50.000 - 70.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, ghi nhận tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, chúng tôi nhận thấy thị trường sữa vẫn bình lặng trước quy định mới. Chị Nga, chủ đại lý Ngọc Nga (đường Đoàn Trần Nghiệp, TP.Thủ Dầu Một) cho hay, giá sữa đang bán tại cửa hàng vẫn không thay đổi. Chị cũng không chú ý nhiều đến việc áp trần giá sữa, vì giá bán lẻ tại cửa hàng chị luôn thấp hơn giá công ty đề nghị (do trích chiết khấu cho khách hàng). “Nhưng chúng tôi cũng mong chính sách ổn định giá được công bố rõ ràng để sức tiêu thụ ổn định hơn”, chị Nga cho biết. Cũng theo chị Nga, sữa là sản phẩm thiết yếu đối với mọi đối tượng nên khi có thông tin giá sữa sẽ giảm, từ cả tuần qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh số tiêu thụ. Cùng trong tình trạng chờ thông báo mới từ nhà cung cấp, chủ cửa hàng bán kẹo Thủy Tiên trên đường CMT8, TP.Thủ Dầu Một cho biết đến thời điểm này chưa thấy đầu mối giao sữa có tin mới về việc giảm giá. “Thường giá tăng thì nhà cung cấp cho biết để gom hàng nhập, chuẩn bị tiền thanh toán, chứ giá giảm thì chẳng việc gì phải vội, vì chẳng đại lý sữa nào nhập hàng vào khi chưa biết rõ tình hình”, chủ cửa hàng này nhận định.
Theo ghi nhận, sở dĩ giá các sản phẩm sữa vẫn “án binh bất động” vì các công ty hiện không có kế hoạch thay đổi giá bán và chờ phản hồi từ Bộ Tài chính. Trong thông báo của mình, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho rằng việc áp đặt giá trần có nhiều bất cập trong căn cứ và phương pháp định giá. Do vậy, phải chờ phản hồi chính thức của Bộ Tài chính công ty mới tính toán giá bán cụ thể. Đại diện nhãn sữa Mead Johnson Nutrition Việt Nam (Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến) khẳng định, công ty này đã và đang áp dụng giá bán như hồ sơ đăng ký giá đã gửi đến Bộ Tài chính. Công ty sẽ tìm hiểu việc thực thi quyết định sẽ được tiến hành như thế nào và sẽ đưa ra phương án giá bán cụ thể trong thời gian tới.
Để kiểm tra, giám sát việc thực thi Quyết định 1079 cũng yêu cầu UBND các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc phối hợp để giám sát việc này. Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho biết đến thời điểm chiều ngày 27-5, cơ quan này vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản, hồ sơ của các DN kinh doanh các mặt hàng sữa. Đồng thời, sở này cũng chưa tiếp nhận văn bản phổ biến Quyết định 1079!
Bài, ảnh: TRÚC HUỲNH