Gia tài vô giá

Cập nhật: 09-06-2014 | 00:00:00

Trong căn nhà cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Bùi (SN 1945, tại Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), nơi che giấu cho nhiều đoàn bộ đội từ Bắc vào Nam kháng chiến, bà chia sẻ cùng chúng tôi ký ức khi tham gia đội văn nghệ, làm giao liên, nuôi quân trên mảnh đất Tân Uyên đầy bom đạn ngày nào. Hoạt động cách mạng, lao động sản xuất phục vụ kháng chiến, bà vẫn hoàn thành vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ. Cứ thế, 6 người con bà đều học cao, thành đạt. Gia đình bà nổi tiếng hiếu học khắp vùng Thạnh Phước.

Người mẹ dũng cảm

Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại thừa hưởng năng khiếu văn nghệ từ ba mẹ, nên năm 14 tuổi bà được chọn vào đội văn nghệ thiếu nhi phục vụ kháng chiến. Bà Bùi tâm sự: Để tạo khí thế cách mạng hào hùng, đội văn nghệ thiếu nhi ra đời với gần 20 thành viên. Đội biểu diễn phục vụ bà con vào ban đêm, phục vụ bộ đội vào ban ngày. Những tiết mục đội biểu diễn liên tiếp nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Điều này đã khích lệ, động viên cả đội cố gắng hát thật hay để bà con vui, để bộ đội có thêm dũng khí xông pha nơi trận tuyến.  

 Bà Bùi kể cho con cháu nghe những câu chuyện qua các tấm hình cũ

Bà vừa tham gia biểu diễn văn nghệ, vừa đảm nhiệm thêm nhiệm vụ giao liên đưa thư hỏa tốc, vận chuyển quân nhu cho các căn cứ cách mạng. Nhớ về kỷ niệm thoát chết đầy may mắn, bà Bùi nhớ lại: “Một lần, tôi đưa thư hỏa tốc từ Phước Thành (Thạnh Phước ngày nay) lên Vĩnh Tân. Phát hiện có máy bay địch đi càn, tôi cùng các chiến sĩ núp dưới gốc cây lớn. Nghe khẩu lệnh “tất cả nằm im tại chỗ không ai được di chuyển”, cả đội nằm im. Trong thời khắc đó chỉ có tiếng máy bay và những làn đạn như mưa rào. Sau một hồi quần đảo của địch, các tán cây gãy đè lên mọi người. May mắn tất cả chỉ bị thương nhẹ. Sau đợt càn, tôi lấy lại tinh thần và tiếp tục làm nhiệm vụ”.

Để góp sức cho cách mạng, bà con trong vùng Thạnh Phước đã đào hầm để nuôi bộ đội. Ngay sau nhà bà, bà cùng các anh em trong gia đình cũng ra sức đào hầm để bộ đội có chỗ nghỉ chân. Nghi ngờ gia đình bà nuôi giấu cán bộ, địch thường xuyên “ghé thăm”, hăm dọa. Nhiều lần theo dõi nhưng không phát hiện được gì, chúng hết kiên nhẫn rút quân khỏi Thạnh Phước. Lúc này, Thạnh Phước lại là “mái nhà” che chở cho bộ đội chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa.

Hết lòng vì con

Nói đến bà Bùi mọi người còn kính nể bởi có 6 người con đều thành đạt, có địa vị cao trong xã hội. Bà lập gia đình năm 1962. Những đứa con bà lần lượt ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Không để con đói, con dốt, ngoài hoạt động mật bà phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi con. Cô Bùi Thị Lý (SN 1964) con gái thứ của bà tâm sự: “Lúc còn nhỏ, ba má tham gia cách mạng nên anh em chị được bà nội chăm sóc. Riêng ba là thành viên đội văn nghệ kháng chiến nên rất ít khi ở nhà, mọi việc trong gia đình đều do má gánh vác. Những lúc rảnh má thường chỉ bảo chúng tôi về lối sống, lòng yêu nước, động viên, khuyến khích các con cố gắng học. Má hay nói “Các con được học trường Tây (trường Tiểu học Thạnh Phước bây giờ) thì phải ráng học cho giỏi để học hết kiến thức của chúng, sau giúp ích cho bản thân và Tổ quốc”. Câu nói của má như động lực thôi thúc chúng tôi “học hết” những cái hay của giặc để đánh đuổi chúng”.

Bà Bùi tâm sự: “Gia tài vô giá đối với vợ chồng tôi là tri thức. Thời trẻ, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, chúng tôi không có điều kiện học tập. Giờ đây, bằng mọi giá, chúng tôi phải lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”. Cô Bùi Thanh Hồng (1977), nhớ lại: Hòa bình lập lại, má nặng gánh lo khi các con bước vào giảng đường đại học. Vất vả nhưng chưa một lần má có suy nghĩ cho con nghỉ học phụ giúp gia đình. Ý thức được sự vất vả của má nên luôn nhắc nhở nhau học thật giỏi, ngoan hiền để má yên tâm làm kinh tế. Con đông, đất ít, lo cho con ăn đã khó nay má còn “mua chữ” cho con. Suốt thời gian tôi theo học tại Sài Gòn, tiền học phí được miễn nhưng tiền ăn gia đình phải lo. Mỗi tháng một lần, tôi đạp xe về để “nạp năng lượng”. Về đến nhà, ngoài gạo, rau củ trong vườn má còn làm những hủ mắm ruốc thật ngon để con mang theo.

Những nỗ lực của người mẹ đảm đang đã “đơm hoa kết trái” khi các con lần lượt học cao, thành đạt, có cuộc sống khá giả. Hiện nay, người con trai đầu lòng Bùi Văn Tâm (1962) đang làm Chánh án Tòa án TX.Tân Uyên; Bùi Thị Lý (1964) là Trưởng phòng Kinh tế TX.Tân Uyên; Bùi Thanh Phong (1971) làm tại Cảng Thạnh Phước; Bùi Thanh Thủy (1974) là Trưởng phòng Kinh tế Công ty Vinasuki; Bùi Thanh Hồng (1977) Quản đốc Công ty Sadaco; người con út Bùi Thanh Hoa (1981) hiện làm tại Becamex IDC. Với suy nghĩ “mẹ già như chuối chín cây” các con bà dù mỗi người một nơi, công việc khác nhau nhưng cuối tuần lại tụ họp vui vầy bên má.

Chia tay với gia đình bà Bùi, chúng tôi còn nghe văng vẳng tiếng cười hạnh phúc của bà. Những đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc của bà được Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của người mẹ hết lòng vì con, chính là các con giờ đây đều thành gia lập thất và thành đạt, các cháu ngoan và học giỏi.

 Bài, ảnh: ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=663
Quay lên trên