Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết. Ngoài công việc của mỗi người, công tác thiện nguyện là niềm vui, là tấm lòng biết sẻ chia của họ. Gặp nhau ở điểm chung này nên giữa những người chuyên tâm làm việc thiện đã có những chuyến đi đầy nhân ái, nghĩa tình…
Đến với bà con nghèo
Để đến với bà con nghèo ở thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 5 vừa qua, đoàn chúng tôi phải xuất phát từ Bình Dương, TP.HCM vào lúc 22 giờ đêm hôm trước. Trời Bình Thuận đón đoàn bằng cơn mưa sớm nên đường vào thôn Lò To trở nên khó khăn hơn. Nhiều chiếc xe bị lạc đường phải chạy lòng vòng để tìm vào điểm tập kết. Có xe mắc kẹt vì đường nhỏ quá, xe vào không được, mọi người xuống xe cuốc bộ, vác từng bao hàng dưới cơn mưa. Có xe bị sụp hố lầy phải đẩy mãi mới lên. Thế nhưng, khi nhìn những ánh mắt háo hức chờ đợi của bà con nghèo nơi đó thì bao nhọc nhằn đều tan biến mất…
BS.Nguyễn Văn Công (bìa trái) đang khám bệnh cho bà con thôn Lò To
Ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng thôn Lò To, cho biết: “Đây là một trong những địa phương còn khó khăn của tỉnh Bình Thuận. Thôn có 104 hộ, 260 nhân khẩu. Ở đây chưa có điện lưới nên bà con phải thắp đèn dầu. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy ở suối trong thôn. Đường sá đi lại rất khó khăn. Bà con đa phần đi làm thuê”. Ông cũng cho biết thêm, bà con rất vui khi được biết có đoàn bác sĩ, các nhà hảo tâm đến với họ. Bà Phong Thị Son, 80 tuổi, người dân tộc Chăm, cho biết nhà bà ở rất xa Trạm Y tế xã nên lỡ có đau ốm gì, đi mua tạm mấy viên thuốc ở quán tạp hóa có bán thuốc tây gần nhà để uống. Ông Nguyễn Văn Hả, 60 tuổi thì nói: “Dân thôn tôi là người tứ xứ tới đây làm thuê cho các chủ vườn trồng thanh long. Bà con cực lắm vì xa Trạm Y tế xã, xa trường học. Con cái nhà ai nếu muốn đi học tiếp phải gửi về TP.Phan Thiết để trọ học”. Có lẽ vì khó khăn thế nên cả thôn chỉ có một em học đại học. Đa số nghỉ học từ tiểu học hoặc lớp 6, 7…
Sống là sẻ chia
Rất nhanh chóng, khi đến nơi, mọi người bắt tay vào việc ngay để bà con khỏi chờ đợi lâu. Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, như người anh cả của “gia đình từ thiện” này và anh cũng là người “chỉ đạo” các khâu từ khám, chữa bệnh, phát quà… BS.Nguyễn Văn Công, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BS.Lê Văn Quý, Bệnh viện Quốc tế Miền Đông cũng nhanh chóng vừa khám bệnh vừa tư vấn cho bà con bởi các anh biết, thật khó có dịp đến được những vùng xa xôi như thế. BS.Lại Ngọc Dũng, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương vừa là thầy thuốc vừa là “Mạnh Thường Quân” tích cực bởi “máy móc ở phòng khám tư, mình đem đi để phục vụ bà con”. Nhiều dụng cụ y khoa như xét nghiệm máu, máy siêu âm… đã giúp cho việc khám, chữa bệnh từ thiện hôm đó được tốt hơn. Ngoài 150 người được phát phiếu ban đầu, các thôn khác nghe có đoàn từ thiện về cũng đến khám bệnh, nhận quà. Trước nhu cầu của bà con địa phương, đoàn tiếp tục khám cho những người không được phát phiếu khám, chữa bệnh trước đó.
BS.Nguyễn Văn Quý (bìa trái) vừa khám bệnh vừa tư vấn cho người dân
Phát quà cho bà con nghèo
Ở khu vực tặng quà, các bạn trẻ của nhóm 7X Sài Gòn và Vũ Võ Phương Nam đang tặng từng phần quà và hướng dẫn bà con lựa chọn quần áo cũ từ 30 bao tải mà đoàn chở theo. Quà tặng cho bà con gồm: Mì gói, gạo, đường, muối, nước tương, quần áo… trị giá gần 500.000 đồng/phần. Một bất ngờ ngoài kế hoạch là đoàn đã gom góp tại chỗ được 5 triệu đồng để tặng 10 phần quà cho người tàn tật trong thôn, ngoài các phần quà còn có thêm tiền mặt là 500.000 đồng/người. Tổng trị giá quà tặng, thuốc men trong chuyến từ thiện này hơn 100 triệu đồng đã góp phần giúp bà con bớt được khó khăn.
Đúng là để đi tận nơi, trao tận tay những món quà nghĩa tình này thật vất vả biết bao. Anh Vũ Thành Hà, trưởng nhóm từ thiện Vũ Võ Phương Nam (TP.HCM) cho biết anh phải đi vận động bạn bè gom quần áo cũ về nhà phân loại, bỏ đi những cái quá cũ, xấu còn lại anh cho người giặt, hấp đàng hoàng. Trong 30 bao quần áo cũ hôm đó, anh cho biết có khoảng 80% đồ nữ, 20% còn lại là đồ nam và quần áo cho trẻ em. “Chứng tỏ phụ nữ may sắm nhiều để hợp thời trang và cũng có tấm lòng từ thiện nên họ chia sẻ những quần áo mình không mặc cho người nghèo”, một người trong đoàn nhận xét sát thực tế như thế!
Chị Trần Thị Thu Loan, một thành viên tích cực của nhóm 7X Sài Gòn, chia sẻ: “Chúng tôi là một nhóm mở trên mạng xã hội. Đến nay từ Hà Nội, Huế, TP.HCM đều có thành viên với hàng trăm bạn tham gia thường xuyên. Mục tiêu chung của nhóm là ngoài công việc, hàng tháng dành ít tiền tích lũy của bản thân, vận động gia đình, bạn bè cùng làm từ thiện. Chúng tôi đi từ thiện cũng như một trải nghiệm cho mình. Đến những nơi thật sự khó khăn để thấy cuộc sống của mình đang hạnh phúc, sung sướng biết bao khi có gia đình, có công việc ổn định. Chúng tôi tập cho mình một cách sống biết yêu thương, biết sẻ chia và sau mỗi chuyến đi như thế này, tình cảm của các thành viên trong nhóm càng gắn kết hơn. Mọi người coi nhau như một gia đình lớn của mình vậy”.
Thử một lần tham gia với gia đình từ thiện cùng thắp lên ngọn lửa của lòng thân ái này, chắc chắn bạn sẽ không còn cho rằng tuổi trẻ bây giờ sống ích kỷ, vô cảm, chỉ biết bản thân mình. Bởi, họ đã dấn thân, đã tự rèn luyện mình, đã tự “bứt ra khỏi căn phòng ấm áp, bữa cơm ngon lành cùng ba mẹ” trong vài ngày của một chuyến đi. Và, để kết bài viết này, tôi xin mượn ý của BS.Lại Ngọc Dũng trên trang facebook cá nhân: “Niềm vui lớn nhất của BS không phải là tăng lương hay tăng cấp... mà là khám bệnh đến toát mồ hôi cho bà con nghèo vùng xa xôi, khó khăn”. Anh đã nói hộ tấm lòng nhân ái của các BS, của những người có tấm lòng nhân ái và tôi tin, họ lại có những chuyến đi đầy tinh thần xung kích tình nguyện, ngập tràn thương yêu như thế!
QUỲNH NHƯ