Người cựu chiến binh có tấm lòng nhân ái
Chú ba Mẫn (bìa phải) bên đàn “cháu nội” của mình
Chú Nguyễn Minh Mẫn sinh năm 1945 tại xã Lai Hưng, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng). Năm 19 tuổi, chú tham gia cách mạng làm công tác mật, làm du kích xã. Sau đó, chú được đơn vị cho đi học quân y và phục vụ công tác trong ngành quân dân y tỉnh Bình Dương. Là một thương binh mang trong mình nhiều thương tích nhưng khi hòa bình lập lại chú tiếp tục học hết cấp ba, sau đó học tiếp lên cử nhân môn triết học.
Trong những năm đi dạy môn triết học tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp cũng là lúc chú nhận thấy trong xã hội còn nhiều người nghèo khổ, bệnh tật không nơi nương tựa, những mảnh đời lang thang cơ nhỡ sống vất vưởng ngoài đường phố đã khiến chú động lòng trắc ẩn nên chú quyết định hợp tác làm việc với các tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu các vấn đề xã hội về những đối tượng người già và người tàn tật không nơi nương tựa. Năm 1990, chú đề ra dự án nuôi người già, người tàn tật và xây dựng thành công Trung tâm Bảo trợ người già, người tàn tật tỉnh Đồng Nai.
Sau khi gắn bó với trung tâm này 10 năm, chú quyết định quay trở lại quê hương, vùng đất Chiến khu Đ anh hùng một thời chú từng chiến đấu với mong muốn tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình là nuôi dưỡng người già và người tàn tật. Lúc bấy giờ, trên 2.000m2 đất mới mua ở ấp 5, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) chú che tạm một tấm bạt nylon sống cùng một đứa bé mồ côi, một con chó và hai con bò, ai nhìn thấy cũng cám cảnh. Nhưng theo chú khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ không phải là điều kiện vật chất mà là lòng người vì nhiều đồng chí mà chú kêu gọi không tán thành với việc làm của chú, vậy là chú lại âm thầm gây dựng cơ sở nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi.
Từ số tiền cho thuê căn nhà và một vựa gạo ở quận 9, TP.HCM cùng với tiền lương thương binh của mình chú đã dần dần gây dựng cơ sở. Năm 2006, cơ sở của chú chỉ là những căn nhà tạm bợ nuôi 20 con người. Trong lúc này chú gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về điều kiện vật chất mà còn gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề pháp lý với chính quyền địa phương. Nhưng theo chú trong chiến tranh còn gian khổ biết bao nhiêu nên chú quyết tâm theo đuổi ước nguyện của mình. Làm việc, đấu tranh không mệt mỏi cuối cùng chính quyền địa phương cũng nhìn nhận công việc của chú và nhiều cá nhân, đơn vị biết đến việc làm của chú cũng đã cùng chung tay góp sức xây dựng cơ sở, vậy là chú không đơn độc một mình.
Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh
Chú ba Mẫn không có vợ con nhưng ở cơ sở này, đi đến đâu cũng nghe người lớn thì kêu chú bằng ba, trẻ con thì í ới gọi ông nội. Chú đến đâu lũ trẻ lại nhao nhao lên mét cái này, khoe cái kia với ông nội. Đây là thằng Rau Nhút, kia là thằng Chuột, thằng Bí Bo, những cái tên dí dỏm chú đặt cho chúng gắn với kỷ niệm với mỗi đứa khi được chú về đây. Từ những căn nhà tạm bợ nuôi 20 con người khi mới thành lập năm 2006, đến nay cơ sở Bảo trợ xã hội Từ tâm nhân ái của chú ba Mẫn đã được xây dựng khang trang trong khuôn viên hơn 1 ha và nuôi trên 100 người già, người tàn tật, trẻ mồ côi bằng sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Ở đây, các em mồ côi được chăm sóc chu đáo và cho đi học như bao đứa trẻ khác.
Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước biết đến việc làm cao cả của chú ba Mẫn đã đến chung tay góp sức cùng chú
Có vào đây mới thấy được một góc khuất khác của xã hội, bên cạnh những mái ấm gia đình cũng còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Nào là những cụ già bị con cháu hắt hủi không còn chốn nương thân, nào là những đứa bé bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng mẹ, nào là những đứa trẻ tật nguyền không người thân thích… Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh thương tâm. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga bị tai biến liệt chân tay không có người chăm sóc, không chỗ ở được đưa về đây. Tại đây, chị được chăm sóc và nhất là điều trị chu đáo nên giờ sức khỏe của chị đã hồi phục, chị đã ngồi được trên xe lăn với một tinh thần lạc quan. Chị cho biết lúc trước bệnh, chị chỉ muốn chết thôi nhưng nay thì không muốn chết nữa vì còn mang ơn người đã cưu mang mình trong cơn hoạn nạn.
Bằng tấm lòng của mình với công việc từ thiện nhân đạo, chú Nguyễn Minh Mẫn đã được các cấp, các ngành ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2013, chú Nguyễn Minh Mẫn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2013. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất mà chú nhận được là niềm vui mà chú tìm thấy trong công việc từ thiện của mình.
Còn anh Trần Trung Tiến cũng là một trường hợp tương tự. Anh Tiến sống một mình ở TP.HCM không thân thích bà con. Khi còn sức khỏe anh chạy xe ôm kiếm sống, nhưng từ khi căn bệnh thoái hóa cột sống bộc phát anh phải bán chiếc xe cơm gạo của mình để điều trị vì không chịu nổi những cơn đau. Cuối cùng anh trơ trọi một mình, nằm bất động không tiền, không người thân và cứu cánh duy nhất mà anh biết được là cơ sở Từ tâm nhân ái của chú ba Mẫn. Từ khi về đây anh được chú ba Mẫn chăm sóc tận tình, điều trị hợp lý nên sức khỏe anh đã dần bình phục, giờ anh đã có thể đi lại được. Anh Tiến tâm sự khi sức khỏe phục hồi anh sẽ ở lại nơi đây để làm việc phụ giúp cho cơ sở để đáp lại người đã cứu giúp mình.
Còn chú ba Mẫn thì tâm sự trong chiến đấu gian khổ biết bao nhiêu, đi vào nhà dân được cho ăn mà có ai lấy tiền đâu, họ đào hầm nuôi bộ đội mà có ai sợ nguy hiểm đâu, vậy thì khi đất nước giải phóng rồi có điều kiện thì mình phải làm việc giúp dân giúp nước. Tâm nguyện của chú lúc này là làm sao phát triển cơ sở, có thêm nguồn lực để giúp đỡ được nhiều người hơn. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng tâm nguyện của chú sẽ được thực hiện vì trong công việc cao cả này chú không đơn độc mà bên cạnh chú còn có rất nhiều những tấm lòng nhân ái.
ĐỨC LÊ