Một tấm lòng trung với nước

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:42:38

Những trận đánh oai hùng

Lâu lắm rồi tôi mới có một buổi trò chuyện với một người lính từng sống, chiến đấu quên mình trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông kể lại những câu chuyện đời lính chất chứa kỷ niệm vui buồn, với những ký ức chiến tranh đầy bi tráng của một thời hào hùng, gian lao mà anh dũng. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), thiếu tá Nguyễn Đức Nghĩa, ngụ khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TX.Dĩ An.

   AHLLVTND Nguyễn Đức Nghĩa (đứng, bên phải) vinh dự được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong lúc đất nước đang trải qua một cơn bão táp từ biển Đông dội vào, trong không khí khắp đất trời như vang lên khúc tráng ca hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử và trong hừng hực sắc đỏ của cờ hoa quyện với màu của những hàng phượng vĩ… câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe như sống dậy một thời hào hùng, đầy gian lao mà anh dũng.

Thiếu tá Nguyễn Đức Nghĩa sinh năm 1944 tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 22- 12-1964, chàng thanh niên vừa tròn 20 tuổi cùng những người bạn của mình hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu. Ông được điều về Sư đoàn 325 thuộc Bộ E101, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.

Mùa mưa năm 1965, khi đơn vị hành quân vào đến Kon Tum thì được lệnh đi đánh đồn Đak Long. Được huấn luyện về đánh bộc phá và có biệt danh là “chuyên gia thuốc nổ” anh lính trẻ Nguyễn Đức Nghĩa được giao trọng trách tiên phong. Không phụ lòng cấp trên, chiều hôm sau, trong làn súng nổ như vãi đạn đan vào nhau, người lính trẻ ôm những quả thủ pháo vượt lên ném liên tiếp vào đồn giặc, 5 hàng rào kẽm gai lần lượt bị phá bung. Đơn vị ta làm chủ căn cứ sau 30 phút chiến đấu. Quân địch phần lớn bị diệt, ta bắt sống gần 20 tên và phóng thích số bị thương. Sau trận này, ông Nghĩa được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Đến trận diệt căn cứ Đak Tô, tổ bộc phá của ông đã phá được 4 hàng rào kẽm gai. Chỉ còn 1 hàng rào cuối cùng, nhưng muốn đến được đó, quân ta phải băng qua 1 hào chống tăng sâu 3m. Đại đội ùn lại chưa biết làm cách nào qua hào. Không chần chừ, ông Nghĩa chuồi xuống, mặc cho các mũi chông nhọn hoắt đang sừng sững đâm lên. Người lính trẻ dùng báng súng đập gãy hàng mảng mũi chông địch đã cắm sẵn. Các đồng đội cũng lao xuống hỗ trợ cho anh nhổ mũi chông rồi bắc thang công kênh nhau để vượt qua hào. Ông Nghĩa đứng lên vai một người đồng đội vượt hào, ôm bộc phá lao lên. Nhưng 4 quả liên tiếp vẫn không nổ, tình thế cực kỳ nguy hiểm. Nếu không phá được hàng rào này thì trận đánh diệt căn cứ Đak Tô sẽ thất bại. Chỉ còn 2 quả bộc phá trong tay, không nghĩ ngợi nhiều, ông Nghĩa chất một quả vào cùng 4 quả kia. Quả còn lại, ông giật nụ xòe, cầm trên tay cho nóng rồi cài vào đống bộc phá. Một tiếng nổ long trời lở đất, hàng rào thứ năm bay mất một khoảng độ 20m. Quân ta tràn lên làm chủ Đak Tô. Trận đánh này ông Nguyễn Đức Nghĩa lại được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.

Tháng 10-1966, đơn vị hành quân vào đến Đông Nam bộ. Tháng 11-1966, đại đội của ông được lệnh đi dánh Mỹ tại trảng Chà Giơ (lòng hồ Dầu Tiếng hiện nay). Đây là trận mở màn ta phản kích chiến dịch Gian-xơn Xi-ty. Trận này không đánh bộc phá. Ông Nghĩa được giao sử dụng trung liên RPD. Cũng như những trận đánh khác, ông Nghĩa cũng chiến đấu anh dũng, kiên cường đến phút cuối cùng và tiêu diệt hơn 20 tên địch, nhưng ông bị thương rất nặng. Trận Chà Giơ, ông Nghĩa tiếp tục được tặng hai Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và 1 Huân chương Chiến công hạng hai.

Tự hào những chiến công

Tháng 9-1967, tại Hội nghị chiến sĩ thi đua Miền, ông Nguyễn Đức Nghĩa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại đây, ông được gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bà Ba Định hỏi ông: “Cháu ở ngoài kia vào đánh Mỹ, có sợ không?”. Ông Nghĩa thưa: “Ở ngoài khu 5 cháu chỉ mới đụng tụi ngụy. Khi được điều vào Nam đánh Mỹ, lúc đầu chưa nổ súng, cháu cũng hồi hộp và sợ lắm. Nhưng sau này đánh nhau với Mỹ, diệt được Mỹ, cháu không còn sợ nữa”. Sau đó, nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng cho ông Nghĩa một khẩu súng K54 và bảo cầm lấy để tự vệ.

Cuối tháng 12-1967, ông Nguyễn Đức Nghĩa được các đồng chí trong Bộ tổng Tham mưu đưa đi thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của đại tướng. Trong bữa cơm, đại tướng cứ luôn tay gắp thịt gà, giò lụa bỏ đầy bát cho ông Nghĩa. Đại tướng thân tình chăm chút cho Nghĩa, nhìn Nghĩa ăn… trìu mến như cha đối với con. Nghe Nghĩa kể lại các trận chiến đấu tại chiến trường Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, đại tướng gật gù hài lòng và nói: “Cháu đánh giặc giỏi lắm! Cháu cần cố gắng nhiều hơn nữa nhé!”.

Năm 1969, khi Bác Hồ đang ốm nặng, ông được cho về thăm Bác. Ngày Bác mất, ông là một trong những người vinh dự được đứng canh giữ bên thi hài của Bác cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Đau đáu một tấm lòng trung với nước

Những hình ảnh hào hùng của một thời hoa lửa cứ thế hiện rõ mồn một qua lời kể của người lính già hôm nay. Quay về thực tại, giờ đây ông đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng mặc cho những vết thương cứ mỗi lần trở trời là đau nhức, ông vẫn sống đời sống bình dị nhưng chẳng vô thường. Hàng ngày, bên cạnh người vợ làm giáo viên đã về hưu và những đứa cháu của 4 người con đều làm giáo viên, ông còn mở một tiệm sửa xe, bơm xe hầu như miễn phí cho công nhân trong Khu công nghiệp Sóng Thần. Có nhiều người cứ khăng khăng bỏ tiền vào trong cái ống đựng phụ tùng sửa xe, ông lại lấy tiền đó đi mua những bình nước để ngay trước nhà để công nhân, người bán vé số, ve chai… có khát thì ghé lại uống.

Nhắc tới Bác Hồ, nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hỏi ông về tình hình đang căng thẳng ở biển Đông trong những ngày qua, người lính già ứa nước mắt khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Lời bài hát “Người lính già ngồi trầm ngâm, nhìn mây bay qua khoảng trời rộng. Người lính già mắt đỏ hoe, gió lao xao ngàn lau chiều nhớ…” bỗng như vang lên da diết. Cầm vạt áo lên lau hai mắt đỏ hoe ông nói: “Cách đây 40 - 50 năm trước, tôi cũng là những thanh niên trẻ như các cháu bây giờ. Nay chúng tôi đã già, dù không ra được biển Đông nhưng lòng tôi vẫn luôn hướng về biển Đông và khi đất nước lâm nguy, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù là cầm súng để chiến đấu. Tôi luôn muốn cống hiến sức lực khi Tổ quốc cần”.

Những ngày này, có bao điều để suy, để ngẫm, để tự hào và tiếp nối cha ông. Người lính kiêu hùng với ý chí sắt đá “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm xưa, giờ đây vẫn kiên gan cùng thời cuộc, trung thành với lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, luôn giữ gìn tư tưởng, niềm tin cuộc đấu tranh chính nghĩa sẽ thắng lợi.

Bài, ảnh: NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=443
Quay lên trên