Chính phủ đang quyết liệt triển khai chương trình bảo đảm an sinh xã hội, kéo giảm lạm phát xuống 1 con số bằng các giải pháp cụ thể, như: Điều chỉnh giảm lãi suất huy động; giảm lãi suất cho vay, kể cả các hợp đồng vay cũ; giảm giá xăng dầu... Những giải pháp này nhằm góp phần kéo giảm chi phí “đẩy” trong sản xuất - kinh doanh và thương mại, dịch vụ. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn cứ đứng yên, vì sao? P.V Báo Bình Dương đã gặp gỡ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp (DN) để tìm hiểu nguyên nhân. Cước vận tải hành khách không giảm làm gia tăng gánh nặng chi phí lên người dân
Cước vận tải hàng hóa: Phải cò kè mới giảm!
Lãnh đạo nhiều DN sản xuất hàng hóa đều tỏ ra bức xúc khi nghe chúng tôi đặt vấn đề vì sao cước vận tải chưa giảm, trong khi giá xăng dầu liên tục giảm? Tổng Giám đốc công ty sản xuất nông nghiệp có trang trại tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, cho biết: “Để kìm giá cước vận tải hàng hóa, các DN vận tải đưa ra nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại chi phí khác đều tăng, chỉ có xăng dầu là giảm. Mặc dù xăng dầu là nhiên liệu chính để vận hành phương tiện nhưng giá xăng dầu chỉ đóng vai trò thứ yếu nên rất khó điều chỉnh giá cước! Nếu là nhà quản lý DN khôn ngoan thì đây vừa là cơ hội kinh doanh, vừa là dịp để maketting thương hiệu mà không phải tốn kém chi phí. Trong thời điểm hiện nay, chỉ cần DN vận tải lên tiếng giảm giá cước thì báo chí sẽ lập tức đưa tin, giới thiệu. Như vậy có phải tên tuổi của DN đó được nhiều người biết đến và khách hàng sẽ tìm đến để hợp tác, làm ăn nhiều hơn. Theo tôi, giá cước vận tải có thể giảm nếu DN biết “tiết kiệm”, bởi đây là khâu quan trọng mà hầu hết các DN phải nghĩ đến để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này”!
Ghé qua một số nhà cung cấp dịch vụ vận tải có tên tuổi đặt chi nhánh, depot ở khu vực TX.Dĩ An và Thuận An, chúng tôi đều được trả lời hết sức nhã nhặn: “Lãnh đạo đi vắng, hẹn anh khi khác”. Trao đổi với đại diện một DN vận tải qua số điện thoại ghi trên bảng hiệu, chúng tôi nhận được lời giải thích: “Đâu phải DN không chịu giảm giá, mà phải tùy vào từng món hàng, từng hợp đồng cụ thể và cũng tùy vào từng khách hàng nữa anh à. Nếu hợp lý, an toàn và có mối quan hệ lâu dài thì chúng tôi mới thực hiện điều chỉnh giá cước vận tải để giữ mối...”. Với cách trả lời này, chúng tôi hiểu tùy khách hàng và phải cò kè, trả giá thì DN vận tải mới điều chỉnh giảm giá!
Cước vận tải hành khách: Nơi giảm, nơi không
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Đàm Trọng Cường, cho biết: “Sở GTVT cũng đã ra thông báo gửi đến các DN yêu cầu điều chỉnh giá cước vận tải hành khách theo xu thế mặt bằng giá chung đã giảm như hiện nay, nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi từ các DN”. Giám đốc Bến xe Bình Dương Nguyễn Văn Sơn đưa ra hai bảng thông báo và cho biết: “Hiện tại chỉ mới có hai đơn vị thông báo điều chỉnh giá cước là HTX Vận tải Long Mỹ - Hậu Giang điều chỉnh giảm 10% giá cước và tuyến xe khách Ninh Thuận - Bình Dương điều chỉnh giảm 8% giá cước. Còn lại các tuyến khách khác đều chưa thấy động tĩnh gì mặc dù đơn vị chủ quản đã nhiều lần thông báo, yêu cầu giảm giá cước vận tải hành khách”.
Lý giải vì sao các hãng vận tải và tuyến xe khách khác chưa chịu giảm giá cước, ông Sơn phân tích: “Do 3 lần tăng giá xăng dầu trước các DN này đã cố kìm và không tăng giá. Đến lần giảm giá xăng dầu gần đây thì giá cước trở lại mặt bằng giá cũ nên DN chưa chịu điều chỉnh. Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm, giá xăng dầu giảm nhưng phía DN cho biết nhiều thứ chi phí khác vẫn tăng, như: Phụ tùng và nguyên vật liệu kèm theo không giảm; tiền lương, tiền ăn cho lái xe, phụ xe và nhân viên đang tăng theo mặt bằng giá mới. Chưa kể cước phí cầu đường, trạm cân... đều tăng, nên việc điều chỉnh giảm giá cước đang được phía các DN tính toán lại!
Giải pháp kéo giảm giá cước vận tải
Một trong hai tuyến mới đi vào hoạt động tại Bến xe Bình Dương bằng phương tiện đời mới chất lượng cao, có máy lạnh, giường nằm là tuyến xe khách Bắc - Nam do Công ty Hoàng Long thực hiện và tuyến Bình Dương - Nha Trang của Công ty Cúc Tùng đã tìm ra giải pháp để không tăng giá cước, nhằm giảm gánh nặng cho hành khách đi xe. Giám đốc Bến xe Bình Dương Nguyễn Văn Sơn, cho biết: “Do chênh lệch giá vé xe chất lượng cao và xe thường lên đến 1/3 và cũng do mới hoạt động nên lượng khách chưa như mong muốn. Để không tăng giá cước, các DN nói trên đã tìm ra nhiều giải pháp hay nhằm tiết kiệm chi phí như tự bảo dưỡng, thay thế trang thiết bị khi ra vào bến thay vì phải đến trung tâm bảo dưỡng như trước đây; bố trí nhiều điểm, trạm trên cùng hành trình vào một giờ nhất định để điều hòa lượng khách trên xe nhằm tránh xe trống, giảm chi phí...
Ông Trần Chí Tài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cúc Tùng, cho biết thêm: “Nhà xe Cúc Tùng chạy tuyến đường dài nên mở nhiều tuyến tại nhiều bến khác nhau, như: Tuyến Sài Gòn - Nha Trang với hành trình Bến xe Miền Đông - Bình Dương - Nha Trang. Để không tăng giá cước chúng tôi bố trí xe xuất bến cùng giờ, nhưng trước khi xuất bến chúng tôi làm động tác chốt vé để nắm lượng hành khách trên hành trình. Nếu đầu cả 2 bến Sài Gòn, Bình Dương đều đã đủ khách thì cho xe xuất bến, còn cả hai đều thiếu khách thì dùng phương tiện trung chuyển để đưa khách đi cùng một chuyến nhằm tránh lãng phí tài chuyến, nhiên liệu, chi phí... mà vẫn bảo đảm giờ giấc, chất lượng phục vụ hành khách như đã cam kết”.
DUY CHÍ