Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay đã có 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng mạnh. Lần gần đây nhất là chiều 17-4, giá bán lẻ mặt hàng xăng E5 RON92 tăng 1.115 đồng/lít, lên 19.703 đồng/ lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít, lên 21.235 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng tăng. Giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng, trong khi đó giá nhiều mặt hàng tại các chợ, siêu thị... trên địa bàn tỉnh cũng đang rục rịch tăng.
Giá các mặt hàng thiết yếu chưa biến động
Ghi nhận tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời điểm này hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chưa có biến động về giá. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, với việc giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh dự báo có thể giá cước vận chuyển tới đây sẽ tăng, vì thế giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng biến động theo. Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ một sạp kinh doanh rau củ quả tại chợ Bình Điềm (TP.Thủ Dầu Một), cho hay nguồn hàng bà nhập về chủ yếu từ các chợ đầu mối nông sản. Hiện giá cả nhiều mặt hàng nông sản bà mua về đã tăng 5 - 10% so với tháng trước.
Việc giá xăng dầu tăng mạnh trong những ngày qua khiến giá cả nhiều mặt hàng dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, hiện giá cả các mặt hàng chưa có nhiều biến động vì các đơn vị này đã có hợp đồng vận chuyển trước đó. Tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương, các mặt hàng tươi sống và rau xanh giá vẫn ổn định như những ngày trước khi giá xăng dầu tăng. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, nước uống giải khát còn đang được siêu thị giảm giá để thu hút khách hàng.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, việc tăng giá các mặt hàng cũng đang được các nhà cung cấp, siêu thị cân nhắc. Ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương 1, cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart đã làm việc với các nhà cung cấp giữ giá bình ổn để bảo đảm giá đến khách hàng tốt nhất. Siêu thị đã và đang thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường, phối hợp với nhà cung cấp chia sẻ giảm bớt lợi nhuận để đưa hàng hóa đến tay khách hàng với giá cả phải chăng, bảo đảm chất lượng.
Hiện các mặt hàng bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart vẫn chưa có nhiều biến động. Đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với nhà cung cấp để giữ giá một cách tốt nhất, không tăng giá hàng hóa đột biến.
Các đơn vị vận tải cân nhắc tăng giá cước
Việc giá xăng dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch, taxi lo lắng. Theo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, họ đang tính toán tăng giá cước để bù đắp khoản giá xăng dầu tăng, tuy nhiên tăng bao nhiêu, vào thời điểm nào thì còn phải tính toán thật kỹ.
Theo ông Nguyễn Trường Thoại, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ taxi Minh Giang (TX. Dĩ An), hiện giá cước vận chuyển chưa thay đổi ngay, dù ảnh hưởng của việc tăng giá xăng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn. Mỗi lần giá xăng tăng thì các hãng taxi phải chịu giảm lợi nhuận, vì không được tự ý tăng giá cước. Muốn tăng giá cước các hãng phải thống nhất mức tăng cước phí chuyên chở và có sự chấp thuận của cơ quan chức năng mới được áp dụng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải, cung ứng các dịch vụ vận chuyển trên địa bàn tỉnh tỏ ra lo lắng khi chỉ từ đầu tháng 4 đến nay đã có 2 đợt điều chỉnh giá xăng khiến việc kinh doanh của họ gặp khó khăn; có những doanh nghiệp phải chấp nhận bù lỗ. Ông Mai Quốc Phong, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Bàu Bàng, cho biết chi phí nhiên liệu hiện chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó, giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng nhiều đến chi phí của doanh nghiệp vận tải. Để duy trì hoạt động, trước mắt đơn vị chưa điều chỉnh giá cước, chấp nhận bù lỗ. Tuy nhiên, do phần lớn hợp đồng vận tải được đơn vị ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng cao kéo dài buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng, khi đó giá cước vận chuyển có thể điều chỉnh tăng từ 10% so với hiện nay.
THOẠI PHƯƠNG