Nói về việc thực hiện “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của tỉnh Bình Dương, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục C06 - Bộ Công an đã đánh giá cao khi tỉnh “về đích” vượt thời gian quy định. Thiếu tướng Lê Minh Hiếu nói Bình Dương thực hiện tốt giải pháp “mưa dầm thấm lâu” trong tuyên truyền, vận động nhân dân tạo nên thành công chung của đề án.
Thường xuyên, liên tục
Thành công lớn nhất của Bình Dương là các cấp các ngành, các cơ quan báo chí trong tỉnh, các đoàn thể, MTTQ đã tích cực dùng giải pháp tuyên truyền thường xuyên, liên tục “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Đề án 06.
Cụ thể, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các địa phương, phòng văn hóa và thông tin, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các video, audio cổ động, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID để phát trên tất cảcác nền tảng truyền thông do cơ quan báo, đài quản lý; khuyến khích phóng viên, biên tập viên tích cực tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ các thông tin tích cực về việc triển khai Đề án 06 trên các trang mạng cá nhân.
Cán bộ và đoàn viên thanh niên phường Bình An, TP.Dĩ An hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID
Tại các địa phương, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực đến từng ngõ hẻm, khu phố tuyên truyền miệng, phát hàng chục ngàn tờ rơi tuyên truyền thực hiện Đề án 06 và hướng dẫn nhân dân cùng thực hiện. Những hình ảnh cán bộ địa phương và chiến sĩ công an thức thâu đêm để “làm sạch” dữ liệu dân cư, tích cực đến từng khu phố hướng dẫn người dân, tuyên truyền tiện ích của việc làm sạch dữ liệu dân cư đã tạo niềm tin cho người dân chung tay thực hiện, nhất là kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 để sử dụng các tiện ích ứng dụng VNeID.
Hầu hết ở cơ sở, đoàn viên thanh viên, cán bộ mặt trận, khu phố đã phát huy tinh thần xung kích trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, đăng kývà kích hoạt tài khoản định danh điện tử tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, nhà trọ đóng trên địa bàn.
Trong một lần đi chung với một số cán bộ, đoàn viên thanh niên phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, các “chiến binh” này nói: “Cực nhưng chúng tôi quyết tâm đến từng khu phố, ngõ hẻm tuyên truyền, vận động nhân dân về các tiện ích của tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số…”.
Bài học kinh nghiệm
Từ thành công này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân và doanh nghiệp trong CĐS, giải quyết hồ sơ đủ điều kiện giải quyết trên nền tảng số, góp phần chung tay góp sức trong cải cách hành chính (CCHC), CĐS, tiến tới chính quyền số trong tương lai.
Để thực hiện tốt CĐS, các cơ quan hành chính Nhà nước phải chú trọng công tác tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, toàn xã hội theo đúng kế hoạch tuyên truyền của UBND tỉnh, nhất là những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Người đứng đầu các địa phương cần tổ chức quán triệt về vai trò, trách nhiệm của báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ở địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền CCHC, CĐS; thành lập các tổ hướng dẫn tìm hiểu các biểu mẫu TTHC đủ điều kiện giải quyết trên môi trường mạng, thanh toán không dùng tiền mặt và các công việc liên quan CĐS.
Các cấp các ngành, MTTQ, đoàn thể cần ýthức được những khó khăn, thách thức lớn về việc CĐS từ góc độ thực tiễn trong nhân dân. Từ đó, có biện pháp tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” chuyển đổi tư duy truyền thống, cách làm cũ sang ứng dụng hoàn toàn công nghệ số, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước về CĐS đến với nhân dân, doanh nghiệp…
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN