Giải pháp nào tinh giảm biên chế hiệu quả?

Cập nhật: 23-10-2012 | 00:00:00

Có thể nói, chính sách tinh giảm biên chế (TGBC) là tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức, sắp xếp nhân sự phù hợp với thực tiễn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy quản lý Nhà nước.

Kết quả bước đầu

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Mai Sơn Dũng cho biết, qua tổng hợp kết quả thực hiện chính sách TGBC của tỉnh từ năm 2008 đến cuối năm 2011 cho thấy, toàn tỉnh đã giải quyết chính sách cho 364 cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, CV). Trong đó có 303 trường hợp ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và 61 trường hợp thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể. Riêng HĐND-UBND các huyện, thị và TP.Thủ Dầu Một đã TGBC 134 trường hợp, trong đó chủ yếu là cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoặc không đủ sức khỏe nghỉ hưu trước tuổi. “Nhìn chung, việc TGBC thực hiện bảo đảm tính công khai, dân chủ, giải quyết đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định. Vì vậy, các trường hợp TGBC đều an tâm, thoải mái tư tưởng, không có trường hợp thắc mắc, khiếu nại. Chính sách TGBC trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức, sắp xếp nhân sự phù hợp với thực tiễn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy quản lý Nhà nước”, ông Mai Sơn Dũng khẳng định.  

Đoàn khảo sát Trung ương làm việc tại Bình Dương

Qua thực tế, việc thực hiện chính sách TGBC, trình độ chuyên môn của CB, CC, VC được cải thiện, nâng cao về chất lượng, tỷ lệ, tuy cơ cấu về tuổi đời bình quân CB, CC, VC của tỉnh giảm không đáng kể nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng CB, CC, VC. Theo nhìn nhận chung, nhờ chính sách TGBC nên các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều thuận lợi cho việc tuyển dụng nguồn lực mới trẻ, năng động, tâm huyết vào bộ máy tổ chức, tinh giảm được những trường hợp không đủ chuẩn, trình độ năng lực hạn chế, không đủ sức khỏe phục vụ lâu dài trong bộ máy quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn nhất định trong việc thực hiện chính sách này, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế. Vì trong thực tế, có nhiều CB, CC, VC có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao đã vận dụng chính sách TGBC để nghỉ và chuyển sang các cơ sở tư nhân.

Thực tế khó khăn khác của tỉnh đang tồn tại chính là khi vào làm CB, CC, VC thì dễ nhưng khi TGBC thì rất khó khăn do phải thực hiện bảo đảm tính công khai, dân chủ, giải quyết đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định. Trong đó, cũng có những trường hợp nể nang, hoặc có nhiều trường hợp có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng nhưng do tuổi tác không đáp ứng được những đòi hỏi mới trong bộ máy tổ chức nên vẫn giữ lại và cử đi đào tạo, bồi dưỡng thêm để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng tiêu chuẩn CB trong tình hình mới. Đây cũng là bài toán khó khăn cho việc áp dụng hài hòa chính sách TGBC của tỉnh, nhất là ở những đơn vị khó thu hút được CB có năng lực thực thụ, được đào tạo bài bản, chính quy.

Giải pháp nào?

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát Trung ương vừa qua, nhiều CB lãnh đạo của tỉnh đã có kiến nghị các giải pháp cho việc thực hiện chính sách TGBC đạt hiệu quả cao. Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương chia sẻ, để TGBC phù hợp, đạt hiệu quả cao thì cần có chính sách để CB, CC, VC tự nguyện khi không đáp ứng được những kỹ năng, năng lực trong hoạt động tổ chức bộ máy. Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Võ Văn Minh chia sẻ, thực tế cán bộ trẻ của Dĩ An dưới 30 tuổi còn thấp. Do vậy, để thực hiện tốt chính sách TGBC thì cần phải có tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, công tâm và khách quan. Hơn nữa khi TGBC rồi thì phải tuyển bằng được những CB trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức tốt và có chính sách đãi ngộ họ vào làm lâu dài trong bộ máy Nhà nước thì chính sách TGBC mới đạt hiệu quả cao, giúp cho bộ máy quản lý Nhà nước ngày càng hoạt động tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh góp ý, qua nghiên cứu, thực tế CB, CC hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thừa là nhiều nơi tuyển rồi nhưng chưa bố trí được công việc, trong khi đó ở vị trí khác thì lại thiếu người quản lý. Do vậy, nhiều đơn vị đã chắp vá lấy một CB chuyên môn ngành này nhưng bố trí ngành khác nên cũng chưa phát huy được sở trường của CB, CC, làm hạn chế bộ máy quản lý. Bà Nguyện cho hay, chúng ta cũng cần tránh tâm lý “vắt chanh bỏ vỏ”. Nếu CB, CC thiếu năng lực cũng cần phải sắp xếp đào tạo cho phù hợp với tình hình mới. “Theo tôi, cũng cần có văn hóa tinh giảm là khi tinh giảm phải hài hòa, hợp lý và phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của từng CB, CC, từng bộ phận cụ thể thì công tác tinh giảm mới đạt hiệu quả cao hơn”, bà Nguyện nói.

Nói về giải pháp TGBC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị cho rằng, hiện nay có CB, CC, VC đã đáp ứng được chuẩn, góp phần vào hoạt động ổn định, năng động của bộ máy tổ chức. Mặt khác cũng có nhiều vị trí CB, CC chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cân nhắc để đào tạo, bồi dưỡng. Song song đó, các đơn vị cũng cần tuyển được những CB, CC đáp ứng được yêu cầu năng lực, trình độ, đạo đức vào bộ máy tổ chức. Để có đội ngũ CB, CC tốt thì chúng ta cũng cần có quy chế tập sự và đánh giá khách quan, trung thực. “Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh cũng cần được Trung ương cho cơ chế đặc thù riêng, nhất là mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị...

* Thứ trưởng Bộ NN & PTNT HOÀNG VĂN THẮNG, chủ trì tiểu đề án 6, Trưởng đoàn khảo sát TGBC tại Bình Dương: Bình Dương cần chú ý đến việc thi tuyển CB, CC đầu vào

Để đạt mục tiêu của chính sách TGBC đề ra, Bình Dương cần phân tích, làm rõ chất lượng CB đầu vào, khâu đào tạo, đánh giá thực chất CB để TGBC. Thực tế với số lượng TGBC hiện nay của Bình Dương thì rõ ràng vào làm CB, CC, VC thì dễ nhưng TGBC rất khó, có chăng là đối với CB nghỉ hưu. Do vậy, tôi đề nghị khi áp dụng chính sách TGBC, Bình Dương cần đánh giá đúng năng lực, trình độ CB, chú ý đến việc thi tuyển CB, CC đầu vào và các khâu điều động, bổ nhiệm và cử CB, CC, VC đào tạo, bồi dưỡng.

* Bà MAI THỊ DUNG, Thường trực HĐND tỉnh: Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho các tỉnh phát triển công nghiệp

Thực tế hiện nay, nhiều trí thức giỏi được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước đều không muốn về làm cho cơ quan Nhà nước do lương thấp. Đó là khó khăn tồn tại để chúng ta thu hút người thực tài về làm công tác quản lý Nhà nước. Do vậy, để chính sách TGBC thật sự phát huy hiệu quả, Trung ương cần có cơ chế đặc thù về CB, CC, VC cho các tỉnh phát triển công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Với số lượng biên chế như quy định của Bộ Nội vụ cho các địa phương đông dân cư như Dĩ An, Thuận An thì chưa phù hợp, gây quá tải cho CB, CC do dân số quá đông, lượng công việc kiêm nhiệm quá nhiều, trong khi đồng lương thì chưa đủ đáp ứng cho cuộc sống của họ.

 

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên