Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hiện nay còn thấp so với mặt bằng mức sống, nhiều người không chờ được đến 80 tuổi để hưởng trợ cấp xã hội (sắp tới đổi tên lương hưu xã hội).
Mức trợ cấp xã hội còn thấp
Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, sau 12 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, các Bộ, ngành và địa phương đã thu được những kết quả quan trọng. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành các điều của Luật Người cao tuổi đã được ban hành đồng bộ.
Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại một phường của quận Ba Đình, Hà Nội.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội, gia đình và người cao tuổi về quyền của người cao tuổi, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, công tác người cao tuổi đã được nâng lên.
Các chế độ chính sách, nội dung quy định của Luật như phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí, bảo trợ xã hội, phát huy vai trò, chúc thọ, mừng thọ đã từng bước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi tại một số địa phương mới chỉ thực hiện đối với người cao tuổi trên 80 tuổi. Đối với đối tượng người cao tuổi còn lại (từ trên 60 tuổi đến 79 tuổi) thực hiện còn hạn chế do khó khăn về nguồn kinh phí bố trí.
Đáng chú ý, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn thấp so với mặt bằng mức sống hiện nay, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội (trợ cấp hưu trí do ngân sách nhà nước chi trả cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội); mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.
Ngoài ra, chính sách lương hưu đối với người cao tuổi về hưu trước năm 1995 chưa hợp lý, phổ biến ở mức 3,2 triệu đồng đến 4,8 triệu đồng, thấp so với những người cùng chức vụ công việc nghỉ hưu sau 1995, những khi điều chỉnh thì tăng đồng loạt theo cùng một tỷ lệ 10%.
Hạ tuổi hưởng lương hưu xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trong giai đoạn tới cần giải quyết đồng bộ các vấn đề về người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023.
Hiện, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay thấp hơn 3 quốc gia là Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi) và Thái Lan (76 tuổi).
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Tin tức, ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Dự thảo luật BHXH sửa đổi đề nghị giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi đáp ứng mong đợi của người cao tuổi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần. Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi cũng đề xuất giảm độ tuổi hỗ trợ người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, hoặc cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn từ 75 tuổi xuống 70 tuổi.
Theo TTXVN