Giảm thiểu khí nhà kính góp phần bảo vệ môi trường

Cập nhật: 17-07-2015 | 09:33:52

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển nhanh trên các lĩnh vực. Điều này đã tác động đến các vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề phát thải các khí nhà kính (KNK). Do đó, việc đưa ra các biện pháp hạn chế KNK trong giai đoạn hiện nay được coi là giải pháp căn cơ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (ONMT).

 Trạm xử lý nước thải của nhà máy thực phẩm PepsiCo (Khu công nghiệp Sóng Thần 3, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: H.PHẠM

Ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ cao

Theo công bố của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu và Chương trình thông báo quốc gia lần 2 về khí thải nhà kính của Việt Nam, KNK chủ yếu phát sinh từ quá trình phát triển công nghiệp với các chất thải khí chủ yếu là carbon dioxide (CO2), metan (CH4), nitrous oxide (N2O), sulphur hexafluoride (SF6), nhóm chất perfluorinated (PFCs)...

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết, các nguồn phát thải KNK tại Bình Dương chủ yếu từ giao thông, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xử lý chất thải. Theo kết quả tính toán, giai đoạn 2012-2014, tổng phát thải KNK của tỉnh khoảng 9,1 triệu tấn CO2, trong đó ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Nếu tính chung của cả nước thì Bình Dương chiếm khoảng 4,1% tổng phát thải KNK cả nước.

Với sự phát triển mạnh về công nghiệp, hiện nay Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp. Các nguồn phát thải KNK tập trung ở các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt, gỗ, giấy, hóa chất, cao su... Ngoài công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải cũng chiếm phần không nhỏ trong phát thải KNK. “Trong nông nghiệp, KNK phát thải chủ yếu từ quá trình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; nhiều loại chất thải trong quá trình chăn nuôi được thải trực tiếp xuống ao, rạch, sông. Việc xử lý chất thải bằng việc đốt, chôn lấp cũng tạo ra khối lượng KNK đáng kể”, ông Hải cho biết.

Cần nhiều nỗ lực

Theo dự báo của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, với mục tiêu phát triển kinh tế theo cơ cấu đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ thì việc gia tăng các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhu cầu tất yếu, tỷ lệ phát thải KNK trong công nghiệp sẽ chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, nông nghiệp và sinh hoạt cũng phát thải KNK, trong đó ngành dịch vụ, giao thông chiếm tỷ lệ khoảng 12%, nông nghiệp 2%, sinh hoạt 3%. Do đó, việc đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu KNK không chỉ là mối quan tâm của lãnh đạo tỉnh mà còn là của các nhà khoa học để bảo đảm hướng tới nền kinh tế phát thải ít khí cacbon và giảm nhẹ phát thải KNK theo tinh thần Quyết định 2139/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5-12-2011 về chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Thông qua Nghị định thư Kyoto, 6 loại khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính gồm CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Trong đó, khí CO2 được sản sinh nhiều từ hoạt động công nghiệp, các ngành công nghiệp nặng (luyện kim, vật liệu xây dựng), phát sinh CO2 chủ yếu từ quá trình đốt nhiên liệu. CH4 được sinh ra từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong điều kiện kỵ khí từ các bãi rác, lên men thức ăn...; đây là chất khí có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần so với CO2.

Do ngành công nghiệp chủ yếu dùng năng lượng chính là điện nên việc nâng cao ý thức trong việc vận hành các thiết bị tiêu tốn năng lượng và áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn sẽ giảm thiểu được mức tiêu thụ năng lượng. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp mà còn góp phần BVMT.

Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát cho biết, do công ty chuyên sản xuất gốm sứ nên nguồn năng lượng cho việc nung, sấy sản phẩm khá cao. Để hạn chế ô nhiễm, công ty đã đẩy mạnh đầu tư các hệ thống máy móc hiện đại, bố trí các vị trí sản xuất hợp lý như tập trung khu vực nung, sấy gần nhau, có khoảng không gian rộng để có thể phơi hông sản phẩm trước khi đi nung, sấy. Bên cạnh đó, công ty cũng đã chuyển đổi từ dầu DO sang dùng gas đã giảm được phát thải KNK vào môi trường khoảng 24,48%.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Viện Môi trường và Tài nguyên cho rằng, với mức độ phát thải KNK từ một số ngành nghề công nghiệp có mức phát thải cao, trên địa bàn tỉnh còn có các nguồn phát thải khác như giao thông, bãi chôn lấp chất thải... Do vậy, việc định hướng phát triển cho các ngành nghề cần có sự quy hoạch, xây dựng chính sách hạn chế phát thải phù hợp từng ngành nghề là rất cần thiết.

 

 KHÁNH ĐĂNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=706
Quay lên trên