Trong thời điểm cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN được đưa ra phân tích, bàn thảo khá nhiều. Một số ý kiến chuyên gia trong nước cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN, chính sách giảm thuế luôn được xem là phương pháp truyền thống mà nhiều nước vẫn thường dùng lâu nay. Giảm thuế trước mắt có thể làm hụt nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhưng sẽ giúp ổn định về lâu dài, thậm chí là tăng thu ngân sách khi cộng đồng DN lấy lại sức để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh sau khi vượt qua khó khăn…
Trước những khó khăn hiện tại của cộng đồng DN, Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội thông qua việc miễn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất, sử dụng đất… Các chính sách này đang được thực hiện, đã giúp không ít DN đứng trên bờ vực phá sản gượng dậy, tiếp tục duy trì sự tồn tại; các DN gặp khó khăn thì được tiếp thêm sức mạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt vì việc giãn, giảm thuế không thể kéo dài mãi. Do vậy, cộng đồng DN vẫn rất cần một chính sách căn cơ về thuế để không chỉ vượt qua khó khăn hiện nay mà còn bảo đảm bớt gánh nặng về lâu dài, giúp DN khỏe hơn, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước là hạ mức thuế suất, cụ thể là thuế suất thuế TNDN.
Giảm thuế là giải pháp giúp DN tăng sức cạnh tranh, phát triển ổn định, từ đó góp phần làm tăng thu ngân sách trong tương lai
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mức thuế TNDN hiện đang được áp dụng cố định 25% cho tất cả các DN là cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thuế suất cao không chỉ tạo thêm gánh nặng cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà còn làm giảm sức cạnh tranh của DN cả về lâu dài trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu để giảm thuế suất thuế TNDN xuống khoảng 20% cho phù hợp. Ngoài ra, nền kinh tế nào cũng có một chu kỳ phát triển ổn định, một giai đoạn bộc lộ những khó khăn, yếu kém. Với những khó khăn hiện nay của nền kinh tế, không chỉ giải quyết ngay được, có thể sẽ phải kéo dài vài năm do vẫn còn những dư chấn của hậu quả để lại. Vì vậy, việc giãn, giảm, miễn thuế đang được thực hiện, cũng sẽ chỉ là những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt chứ không giúp DN được về lâu dài.
Đó là góc nhìn từ phía chuyên gia, còn với DN, cả trong và ngoài nước đều cho rằng việc áp dụng thuế suất 25% đối với thuế TNDN trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì DN đang phải gồng mình để chống đỡ khó khăn. Mặt khác việc giãn, giảm, miễn thuế không phủ sóng hết toàn bộ cộng đồng DN, trong khi hiện nay DN nào cũng có những khó khăn riêng. Theo ông Paik In Ki, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương, các nhà đầu tư nước ngoài đang chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư bởi môi trường đầu tư thuận lợi, nhưng nếu Việt Nam áp dụng mức thuế suất cao hơn các nước trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông Paik In Ki cũng cho rằng, việc xem xét để giảm mức thuế suất của thuế TNDN sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các DN nói chung và DN nước ngoài nói riêng. Thuế suất thấp sẽ giúp DN đạt mức lợi nhuận cao hơn, từ đó các DN có thêm nguồn lực để tái đầu tư; đồng thời chủ DN cũng có điều kiện để chăm sóc tốt hơn đời sống cho người lao động. Cùng với đó, một phần lợi nhuận cũng sẽ được các DN trích ra dành cho các quỹ phúc lợi, từ thiện vì cộng đồng.
“Mức thuế suất thế nào là do quyết định của Quốc hội và sự thực hiện của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét những khó khăn hiện tại của cộng đồng DN để áp dụng mức thuế suất phù hợp, giúp DN vượt qua những khó khăn. Khi DN phát triển, mở rộng được hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế cũng sẽ tăng lên. Như vậy, giảm mức thuế suất, thu ngân sách Nhà nước trước mắt tuy có giảm, nhưng về lâu dài nguồn thu có thể tăng bởi sự lớn mạnh của DN…”, đại diện một DN nói.
ĐÀM THANH