Gần đây, nhiều người dân đến cơ quan công an trình báo về việc bị một số đối tượng sau khi kết bạn trên mạng xã hội thì đặt mua tiêu rồi gửi hình tài khoản chứng tỏ đã chuyển tiền thanh toán, do nhiều người không rành nên đã trở thành nạn nhân của trò lừa này.
Cụ thể như trường hợp của anh Trần Văn H. (ngụ tỉnh Đắk Nông) bị lừa chiếm đoạt số nông sản trị giá hơn 35 triệu đồng. Sau khi bị lừa, nạn nhân đã đến Công an huyện Phú Giáo trình báo.
Theo anh H., qua mạng xã hội anh quen một người tên Nguyễn Chí Dũng. Sau thời gian ngắn trao đổi qua lại, Dũng đặt mua của anh H. 400kg tiêu với giá 35 triệu đồng và hẹn giao tại ngã ba Bố Lá (huyện Phú Giáo). Theo hẹn, anh H. mang tiêu đến và gọi cho Dũng nhận hàng. Dũng cho một chiếc xe ba gác đến lấy tiêu và nói đã chuyển tiền. Để anh H. tin, Dũng chụp màn hình điện thoại đã chuyển tiền thành công 35 triệu đồng và gửi cho anh. Tưởng đã được thanh toán tiền, anh H. giao số tiêu trên cho xe ba gác rồi đón xe về nhà. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau anh H. không thấy tiền vào tài khoản của mình nên gọi lại cho Dũng. Dũng phân bua do hôm nay là ngày cuối tuần nên giao dịch chậm trễ hơn ngày thường. Chờ thêm khoảng 1 giờ đồng hồ vẫn không thấy tiền vào tài khoản, anh H. gọi lại cho Dũng nhưng không liên lạc được. Đến lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nên đến công an trình báo vụ việc.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Thùy T. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) cũng bị lừa tương tự. Qua Facebook chị T. quen một người tên Nguyễn Minh Tuấn, người này đặt mua 100kg tiêu loại I với tổng số tiền 8,5 triệu đồng, giao hàng tại ngã tư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP.Thuận An). Thời điểm chị T. giao tiêu là 4 giờ sáng và có nhận được hình Tuấn gửi chứng tỏ đã chuyển thành công 8,5 triệu đồng. Sau khi giao hàng, đợi mãi không thấy tiền vào tài khoản, chị T. gọi vào điện thoại của Tuấn nhưng không liên lạc được.
Tương tự, mới đây anh Trần Hùng C. (ngụ Đắk Lắk) cũng bị một thanh niên lừa mua tiêu trên mạng. Theo anh C., trước đó có một người tên Tuấn đặt mua tiêu của anh với tổng giá trị hơn 11 triệu đồng. Tin tưởng khách hàng, anh C. giao tiêu và đợi chuyển khoản. Tuấn có chụp màn hình chuyển tiền thành công và gửi cho anh C. Đợi mãi không thấy tiền vào tài khoản, anh C. biết mình bị lừa.
Chưa dừng lại ở đó, một tuần sau anh C. tiếp tục nhận được cuộc gọi đề nghị mua 150kg tiêu từ số điện thoại cũ của Tuấn. Giá trị hàng hóa lần này là hơn 15 triệu đồng. Lần này Tuấn xưng tên khác và hẹn giao tiêu tại ngã tư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP.Thuận An). Khi anh C. giao tiêu, Tuấn cho người nhận và cũng dùng chiêu thức cũ rồi bỏ trốn. Anh C. đã đến Công an phường Thuận Giao trình báo.
Theo khuyến cáo của cơ quan công an, thủ đoạn giả mua hàng nông sản rồi chiếm đoạt thông qua chiêu chụp màn hình chuyển tiền vào tài khoản để đánh lừa người bán hiện đang khá phổ biến. Vì vậy, người dân khi thực hiện các giao dịch nên hết sức cảnh giác. Các nạn nhân bị lừa nên đến công an trình báo để được ghi nhận, giải quyết.
PHƯƠNG QUỲNH