Tuy không còn hưng thịnh như nhiều năm trở về trước nhưng sơn mài (SM) vẫn là một ngành không thể thiếu trong đời sống của nhiều người. Bình Dương nói chung, Làng SM Tương Bình Hiệp nói riêng là một trong số ít địa phương, làng nghề trong cả nước duy trì sản xuất hàng SM thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chúng tôi trở lại Làng SM Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) vào một ngày cuối tháng 8. Dù làng nghề không còn sôi động làm hàng SM như nhiều năm trở về trước nhưng tại một số đơn vị sản xuất như Hùng Hương, Thanh Bình Lê, Tứ Phương… không khí làm việc như trước đây vẫn còn đó. Chúng tôi vào thăm xưởng sản xuất Tư Bốn của nghệ nhân Lê Bá Linh, khi ông đang hướng dẫn những người thợ trẻ mài nhám gỗ, phủ sơn đúng kỹ thuật…Nhìn những hộp quà tặng bánh trung thu xếp thành chồng cao, những nắp hộp, khay sản phẩm đang ở công đoạn hoàn thiện cuối cùng, không khí sản xuất khẩn trương, nhộn nhịp mới thấy cơ sở của ông vẫn duy trì hoạt động ổn định.
Một thời vàng son
Nghệ nhân Lê Bá Linh là người gắn bó với nghề hơn 32 năm, cũng là người luôn nhiệt huyết với nghề SM. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của nghề SM và làng nghề SM ở Bình Dương, ông trầm ngâm một hồi rồi nói, nghề SM hiện chỉ là nghề sống được, bởi đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài vẫn còn ít; người làm nghề chỉ có thể lấy công làm lời, nuôi dưỡng lửa đam mê với nghề. Theo nghệ nhân, Làng nghề SM Tương Bình Hiệp có được chỗ đứng vững chắc như ngày nay là nhờ ngành có nhiều thay đổi tích cực để bắt nhịp cùng với sự phát triển của xã hội. Trước hết, các cơ sở sản xuất ở đây có sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn cải tiến mẫu mã, ứng dụng chất liệu tự nhiên kết hợp với một số chất liệu mới để tạo những sản phẩm SM mới lạ, độc đáo, phù hợp yêu cầu, thị hiếu mới của thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.
Cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho làng nghề SM truyền thống của Bình Dương phát triển bền vững. Ảnh: THANH HỒNG
Bên cạnh thị trường trong nước, hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm của Làng nghề SM Tương Bình Hiệp đã mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Như vậy, dù trải qua nhiều thăng trầm, đi qua thời kỳ vàng son nhưng Làng nghề SM Tương Bình Hiệp vẫn đang được các thế hệ tiếp nối, trao truyền và lưu giữ nghề thủ công bên cạnh các hoạt động thương mại khác.
Làng nghề SM Tương Bình Hiệp được xem là chiếc nôi của ngành SM của Bình Dương. Nhiều nghệ nhân của làng nghề này cho biết, quá trình hình thành làng nghề SM của Bình Dương bắt đầu từ thập niên 1930, tức là sau khi trường Mỹ thuật Bình Dương (còn gọi là trường Bá Nghệ) được thành lập. Ở giai đoạn đầu tiên, tuy đội ngũ thợ thủ công của Bình Dương khá đông, tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm song trường Bá Nghệ đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhiều lớp nghệ nhân, thợ giỏi, có kiến thức về văn hóa - nghệ thuật và có người trở thành những nghệ nhân xuất sắc như Châu Văn Trí, Nguyễn Thành Lễ, Nguyễn Văn Yến, ông Sáu Minh… Chính những nghệ nhân này, sau khi thành thợ cả trong trường đã lập ra các xưởng sản xuất gia đình.
Đỉnh cao của Làng nghề SM Tương Bình Hiệp là giai đoạn 1945-1975, với trình độ và nghệ thuật đa dạng, sản phẩm nhiều chủng loại, mẫu mã. Hàng SM ở giai đoạn này được xuất khẩu sang các nước Tây Âu, Nhật Bản, Trung Đông… Năm 1976, đơn vị đầu tiên được hình thành là Hợp tác xã SM 19-5, cùng với đó xưởng SM Thành Lễ (được thành lập năm 1943) được phục hồi trở lại. Từ đó, ngành SM phát triển với quy mô cả tỉnh.
Giai đoạn 1980-1990, nghề SM đạt đỉnh hoàng kim của ngành thủ công truyền thống khi chiếm 30 - 35% thu nhập về công nghiệp của tỉnh. Thời kỳ này, chưa tính đến các doanh nghiệp có vốn lớn như Thành Lễ, các hợp tác xã, xí nghiệp, tổ SM đã có từ trước, nay cũng chính họ đứng ra thành lập và phát triển thành nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như Hồng Đức, Hùng Hương, Thanh Bình… Từ đó kéo theo hàng trăm hộ gia đình tại Tương Bình Hiệp tham gia nghề SM.
Giữ lửa cho nghề
Thạc sĩ, họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội SM và Điêu khắc Bình Dương chia sẻ, ngày xưa người ta biết đến nghề SM Thủ Dầu Một là nhờ chất lượng chứ không phải số lượng. Mỗi sản phẩm SM được thực hiện qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức. Các nghệ nhân chăm chút, tỉ mỉ đến từng chi tiết nên mỗi tác phẩm ra đời đều mang dấu ấn riêng biệt và cái thần, cái hồn đều lưu lại trên tác phẩm. Song đã có thời gian, một số cơ sở do chạy theo lợi nhuận, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng đã gây mất lòng tin với khách hàng, vì thế thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, ngành SM ở Bình Dương bị mai một dần. Làng nghề SM Tương Bình Hiệp cũng rơi vào vòng xoáy chung đó.
Hiện các cơ sở là thành viên trong Hiệp hội SM và Điêu khắc Bình Dương còn chưa tới 100 thành viên, đa phần đều hoạt động riêng rẻ và cũng chưa chủ động trong kế hoạch sản xuất, định giá sản phẩm. Vì vậy, nghệ nhân làm ra sản phẩm nhận thù lao chưa tương xứng với tâm huyết mình bỏ ra và không ít thợ giỏi nay không làm nghề nữa.
Vậy lớp trẻ ngày nay thì sao, họ không còn mặn mà với nghề SM truyền thống? Khi tôi hỏi, khuôn mặt nghệ nhân Lê Bá Linh thoáng chút ưu tư. “Lớp trẻ bây giờ trình độ học vấn cao, họ thông minh, giỏi giang, chỉ cần nhìn qua hay hướng dẫn một lần là có thể làm được. Nhưng trong dòng chảy thời đại, họ không chí thú với nghề, không đủ tính kiên nhẫn, xả thân cho nghề. Nhiều người tôi tận tụy truyền dạy đã thạo nghề nhưng chỉ làm được vài năm rồi bỏ đi làm việc khác thu nhập cao hơn. Bởi thế, tôi nghĩ Làng nghề SM Tương Bình Hiệp tuy đã phục hồi nhưng chưa thật bền vững”, nghệ nhân Linh tâm tình.
Theo nhiều nghệ nhân, hiện nhiều cơ sở SM có ít điều kiện về vay vốn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Việt Nam cũng chưa có đơn vị nghiên cứu cung ứng nguyên vật liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ… Trong khi đó, không ít người làm nghề vẫn chưa thực sự nắm bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường; các trường nghề chưa chú trọng đổi mới giáo dục đào tạo kỹ thuật làm nghề SM và đón đầu xu hướng thị hiếu thẩm mỹ người tiêu dùng…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Linh bày tỏ nghề nào cũng có cái khó và bí quyết riêng. Nghề SM là một trong những nghề khó, bởi trong từng tác phẩm SM ẩn chứa nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tài năng người thợ. Do vậy, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, chìa khóa để giúp làng nghề SM tiếp tục tồn tại và phát triển chính là giải quyết được bài toán về kinh tế, để các nghệ nhân thủ công sống được với nghề một cách ổn định. Có thế họ mới gắn bó với nghề, giữ nghề cha ông để lại.
Chị Trần Thị Thái Tiên, một thợ giỏi nghề SM nhớ lại, giai đoạn 1980-1990, sản phẩm SM của Làng nghề SM Tương Bình Hiệp được khách hàng trong nước và ngoài nước ưa chuộng, công nhân ngày đêm làm việc vẫn không kịp hàng giao. Các bức tứ bình như mai, lan, cúc, trúc, phúc lộc thọ… cỡ 80x40cm thời kỳ đó có giá trị tương đương khoảng 4 - 6 chỉ vàng. Sau khi trừ chi phí, người sản xuất thu về lợi nhuận hơn nửa số tiền này. Mặt hàng SM không những có giá trị về mặt văn hóa mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao cho người sản xuất thời bấy giờ. Bên cạnh đó, nghề này còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, góp phần ổn định đời sống xã hội và sự tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
THANH HỒNG