Giữ vững thành quả, tạo đà bứt phá

Cập nhật: 04-12-2020 | 08:00:31

Năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,78%. So với mức tăng trung bình của cả nước, Bình Dương đạt cao hơn gấp 2 lần.

 Nỗ lực vượt thách thức

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, GRDP bình quân đầu người đạt 150,1 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 65,97% - 22,69% - 3,23% - 8,11%. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chuyển dịch nội bộ ngành theo hướng tích cực và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Toàn tỉnh có 1.383 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng 8,02%.

 Sản xuất tại Công ty DS ViNa (KCN KSB - huyện Bắc Tân Uyên)

4 tháng liền (tháng 3, 4, 5, 6) nền kinh tế cả nước phải đối mặt với suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19. Bắt đầu là thiếu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, tiếp đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Cùng với đó, hoạt động xuất, nhập khẩu chịu tác động mạnh do nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị gián đoạn và thị trường đầu ra xuất khẩu bị thu hẹp. Trước tình hình đó, các DN tại Bình Dương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm thêm khách hàng, thị trường xuất khẩu mới và tăng tiêu thụ nội địa. Từ sau quý II - 2020, các DN đã có sự phục hồi khá tốt, bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa vào nhiều thị trường. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước tăng 8,5%; kim ngạch nhập khẩu ước tăng 7,6%. Thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ.

Theo đại diện Công ty DS ViNa, vào thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19, công ty bị ảnh hưởng lớn về sản xuất, xuất khẩu. Nhưng nhờ Việt Nam khống chế dịch bệnh tốt nên các DN giảm được nhiều thiệt hại. Chính vì sự khống chế dịch bệnh tốt, đối tác cũng tin tưởng giao những đơn hàng lớn cho DN. Vì thế, ngoài duy trì được những đơn hàng đã ký kết, DN còn ký thêm được các hợp đồng mới với nhiều đối tác nước ngoài. Dự kiến mức tăng trưởng của công ty năm 2020 sẽ gấp 1,5 lần so với năm 2019.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, năm 2020 ngành dệt may gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu. Các DN đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch bằng cách mở rộng sản xuất vải không dệt cung ứng cho các nhà máy may khẩu trang, quần áo bảo hộ để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Do đó, công ty đã giảm bớt được thiệt hại do dịch bệnh và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong quý 4 - 2020, hầu hết các DN đã có đơn hàng trở lại. Đây là tiền đề quan trong để ngành dệt may vượt qua khó khăn, bước tiếp vào giai đoạn mới.

Tạo đà phát triển

Năm 2020 là năm cuối của giai đoạn 2016-2020, giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế của năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt năm nay tuy xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bình Dương vẫn đạt cao. Đây là tiền đề để tăng trưởng kinh tế cho những năm tới, khi các dự án, DN đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, trong năm nay, số DN trong nước thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 63.909 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ niềm tin của cộng đồng DN và người dân vào môi trường đầu tư của Bình Dương ngày càng tăng lên.

UBND tỉnh xác định, năm 2021, tập trung tạo ra các đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thu hút thương mại dịch vụ chất lượng cao và tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Becamex IDC cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến đến nhiều quốc gia nhằm gắn kết, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mong muốn đầu tư và Bình Dương. Trong giai đoạn mới, Becamex IDC tiếp tục quan tâm đến các dự án có hàm lượng công nghệ cao, các dự án thương mại dịch vụ chất lượng cao nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển tỉnh nhà theo định hướng.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp KSB (huyện Bắc Tân Uyên) nhận định, năm nay dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp giải ngân nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc sớm hoàn thành nhà xưởng để đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 Mục tiêu năm 2021, tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch nội bộ ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; sớm thành lập khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành và hình thành vùng đổi mới sáng tạo tỉnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=632
Quay lên trên