Việc hòa giải cơ sở, PBGDPL cho người dân là việc làm hết sức ý nghĩa. Một khi người dân ý thức được việc họ sống và làm việc theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ giúp cho tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, cuộc sống bình yên hơn. Hai trong số những người chúng tôi gặp dưới đây là những điển hình đáng trân trọng về việc làm của họ.
Vừa tuyên truyền, vừa làm gương mới có hiệu quả
“Đừng nói suông mà mình phải làm gương, phải sống sao cho trọn vẹn, hài hòa thì người dân mới tin tưởng mình”. Đólà cách sống và cũng là cách làm việc của bà Phan Thị Nhiên, PhóChủ tịch HĐND phường Phú Lợi trong nhiều năm qua. Bà cũng là một trong những điển hình tiêu biểu những cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị số 32 .
Để làm tốt công việc của mình, những năm qua bà đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thểphường và khu phố trong công tác tuyên truyền, PBGDPL ở địa phương, thông qua việc gắn nội dung PBGDPL với triển khai các nhiệm vụ chính trị của các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, như: Đưa nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW vào các kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL hàng năm, kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL theo chuyên đề.
Trong công việc, bà cũng đã thực hiện tuyên truyền lồng ghép vào cuộc họp cán bộ, công chức, các cuộc họp giao ban và cuộc họp dân ở khu phố. Kết quả đã tuyên truyền được 472 cuộc với 29.865 lượt người dự, cấp phát trên 45.500 tài liệu hỏi đáp và tờ gấp tuyên truyền cóliên quan. Thông qua các buổi tuyên truyền, các báo cáo viên pháp luật của tỉnh, thành phố đã giải đáp những kiến nghị, thắc mắc mà nhân dân quan tâm như: Vấn đề quy hoạch, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chế độ chính sách của Nhà nước đối với người cócông, chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợtái định cư… Từ sự tận tụy này của bà Nhiên, những thắc mắc của nhân dân được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, hạn chế những khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết trong nội bộnhân dân.
Định kỳ hàng năm, bà Phan Thị Nhiên còn tham mưu UBND phường phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố tổ chức PBGDPL cho công nhân nhà trọ trên địa bàn phường. Nội dung tuyên truyền là các luật gắn liền với đời sống hàng ngày.
Bà Phan Thị Nhiên còn tham gia câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của phường với vai trò Chủ nhiệm CLB. Thời gian qua, thông qua công tác trợ giúp pháp lý, bà đã hướng dẫn cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và nhân dân các thủ tục hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, hộ tịch, hộ khẩu… được 258 vụ việc. Bên cạnh đó, bà phối hợp với cán bộ Đài Truyền thanh phường hàng ngày dành 10 - 15 phút để phát các bản tin pháp luật và nêu gương người tốt, việc tốt trong các mặt hoạt động PBGDPL, đã phát trên hệ thống Đài Truyền thanh phường được 1.250 giờ 30 phút. Nhằm giúp chị em hiểu biết về pháp luật, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội, bà Phan Thị Nhiên đã cùng Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường triển khai tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Đề án 343, Đề án 704 tới chị em nữ công nhân nhà trọ, cán bộ, hội viên phụ nữ tại các chi hội trên địa bàn phường.
Trong vai trò thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai phường, bà cùng các thành viên thông qua hòa giải, giúp giải quyết các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ thường xảy ra, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tăng thêm tình đoàn kết gắn bó trong khu dân cư, vun đắp, tô thắm tình làng nghĩa xóm và pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải và công tác PBGDPL ở địa phương, đưa pháp luật vào cuộc sống và đến với người dân ngày một nhanh hơn, sâu sắc hơn.
Hòa giải thành vụ nào vui vụ đó
Mỗi năm ở khu phố 7, phường Chánh Nghĩa có khoảng 10 - 12 vụ tranh chấp phải nhờ đến tổ hòa giải khu phố. Các mâu thuẫn xoay quanh những vấn đề, như: Tranh chấp đất đai, bạo hành gia đình, gây rối trật tự công cộng, cho vay nặng lãi… Theo anh Phan Duy Trung, tổ trưởng của tổ hòa giải khu phố 7, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, thường thì các thành viên trong đội hòa giải sẽ nhanh chóng nắm bắt sự việc, sau đó tìm hiểu thật cẩn trọng trước khi đưa ra những lời khuyên đúng luật, hợp đạo lý. Với những vụ manh động, gây rối trật tự công cộng thì mời thêm lực lượng dân phòng, công an phường. “Cách mà tổ của chúng tôi làm là vừa cứng vừa mềm, cứng là phải có một người thật hiểu luật để nói cho người dân hiểu, có khi còn phải đem hình phạt, mức phạt tiền phải đền bù là bao nhiêu, tội nào mấy năm tù cho người ta… biết sợ! Mềm là cách nào để xoa dịu tình thế giữa các đối tượng liên quan để họ hiểu ra từ đó cùng nhau giải quyết vấn đề một cách êm đẹp và hợp tình hợp lý nhất”, anh Trung chia sẻ.
Hơn 10 năm nay, từ khi tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên ở địa phương, anh Trung vẫn miệt mài với công việc và vai trò của một hòa giải viên. Để làm tốt công việc, anh phải tìm tòi, học hỏi thật nhiều về nội dung, quy định về các luật từ lý lịch tư pháp, kết hôn, an toàn giao thông… để kịp thời tuyên truyền, giải thích khi người dân cần anh tư vấn. Mỗi vụ hòa giải thành, anh lại thấy vui vì mình đã cùng làm được việc có ích cho người dân nơi mình sống.
Q.NHƯ